Nghị quyết số 35 của HĐND tỉnh: Phát triển giáo dục – đào tạo Đắk Nông theo hướng toàn diện, bền vững
Lượt xem:
Tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa II đã thông qua Nghị quyết số 35/2014/NQ-HĐND về phê duyệt “Đề án quy hoạch mạng lưới trường, lớp các ngành, bậc học trong hệ thống giáo dục và đào tạo tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2030”.
Mục tiêu chung là trong 10 đến 20 năm tới, giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) Đắk Nông được phát triển theo hướng toàn diện, bền vững, đạt chuẩn quốc gia, đa ngành, đa lĩnh vực và có yếu tố chất lượng cao của khu vực Tây Nguyên.
Theo đánh giá, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, hiện nay, mạng lưới cơ sở GD-ĐT của tỉnh đã tương đối hoàn chỉnh. Cơ sở giáo dục cơ bản phân bố rộng khắp đến từng xã, phường và phần lớn các thôn, điểm dân cư. Tình trạng cơ sở vật chất trường lớp tương đối tốt. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tăng liên tục trong thời gian qua.
Đội ngũ giáo viên phổ thông các cấp về cơ bản được chuẩn hóa và tiếp tục nâng cao về chất lượng. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục năng động, giàu kinh nghiệm trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách giáo dục-đào tạo trên địa bàn. Người dân có truyền thống hiếu học, có nhận thức đúng về tầm quan trọng của tri thức và sự cần thiết của việc học. Công tác xã hội hóa GD-ĐT phổ biến rộng và đạt được mức trung bình khá.
Tuy nhiên, nhằm chuẩn bị cho những bước phát triển tích cực hơn trong thời kỳ mới, việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp các ngành, bậc học trong hệ thống GD-ĐT Đắk Nông đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 là yêu cầu cấp thiết.
Theo đó, đến năm 2020, việc phát triển mạng lưới những cơ sở giáo dục các cấp trên địa bàn tỉnh phải đạt được mục tiêu về quy mô, chất lượng và đáp ứng những yêu cầu về cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị. Cụ thể như đảm bảo phân bố hợp lý, gắn với các địa bàn dân cư, tạo điều kiện cho học sinh đến trường theo phương châm “đưa trường lớp học đến gần học sinh”.
Cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ dạy và học đạt chuẩn quốc gia, đồng bộ, tiên tiến, an toàn và hiện đại để thực hiện những mục tiêu phát triển GD-ĐT cho từng thời kỳ nhất định, để đến năm 2020 có đủ phòng học với trang thiết bị cần thiết đảm bảo phần lớn học sinh tiểu học, THCS và THPT được học 2 buổi/ngày ở trường.
Diện tích đất đai cho khuôn viên trường học, diện tích xây dựng các phòng học, khu chức năng, giáo dục và rèn luyện thể chất và trang thiết bị cùng các điều kiện khác về ánh sáng, vệ sinh môi trường… phải đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn để đủ điều kiện tổ chức học tập và sinh hoạt cả ngày tại trường.
Môi trường sư phạm tại khu vực trường học được đảm bảo, đáp ứng những tiêu chuẩn về cơ sở vật chất kỹ thuật của trường lớp các cấp học mầm non, tiểu học, THCS, THPT và hệ thống trường chuyên biệt. Đối với mạng lưới cơ sở đào tạo, trong thời gian tới sẽ phát triển theo hướng ưu tiên hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, trình độ giáo viên.
Cụ thể, đến năm 2020, ở bậc giáo dục mầm non, số trường mẫu giáo đạt 159 trường, với 1.468 lớp; tỷ lệ huy động trẻ ra lớp là 90%, trong đó trẻ 5 tuổi là 100%. Bậc giáo dục tiểu học thì toàn tỉnh có 172 trường, tăng 29 trường so với năm 2014.
Bậc giáo dục THCS, dự kiến có là 102 trường, tăng 40 trường so với năm 2014. Bậc giáo dục THPT thì có 27 trường, tăng 4 trường so với năm 2014. Giáo dục chuyên biệt thì hệ thống trường chuyên tiếp tục tăng dần đến năm học 2020-2021, với quy mô 30 lớp; toàn tỉnh có 10 trường dân tộc nội trú, quy mô 95 phòng học, 63 lớp, tăng 3 trường so với hiện nay. Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật xây dựng tại thị xã Gia Nghĩa, với quy mô 15 lớp, 30 phòng học.
Giáo dục thường xuyên – dạy nghề thì toàn tỉnh có 10 trung tâm giáo dục thường xuyên, quy mô 123 phòng, 85 lớp; hoàn thiện và phủ kín mạng lưới trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Hệ thống đào tạo thì phát triển đại học, cao đẳng theo hướng liên kết với một số trường đại học trong nước mở một số phân hiệu tại tỉnh, làm cơ sở để về lâu dài tiến tới thành lập trường đại học đa ngành tại Đắk Nông.
Định hướng đến năm 2030 thì mạng lưới các cơ sở GD-ĐT được xây dựng rộng khắp trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tính liên thông giữa các cấp học, giữa các hình thức tổ chức đào tạo và sẽ liên thông với hệ thống GD-ĐT trong nước và quốc tế. Mọi người dân trong tỉnh đều có đủ điều kiện để học tập thường xuyên, học tập suốt đời, được học đúng ngành nghề theo nguyện vọng, khả năng của mình và có thể học tiếp lên các bậc cao hơn. Cùng với cả nước, trình độ GD-ĐT tỉnh Đắk Nông sẽ phát triển đạt mức tiên tiến, trở thành một trong những tỉnh có các chỉ tiêu GD-ĐT cao của khu vực miền Trung- Tây Nguyên.