Tập thơ Gió Lộng – Tố Hữu

Lượt xem:

Đọc bài viết

– GIÓ LỘNG –

Giới thiệu: Tập thơ Gió lộng (1955- 1961) khai thác những nguồn cảm hứng lớn, cũng là những tình cảm bao trùm trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam đương thời: niềm vui và niềm tự hào, tin tưởng ở công cuộc xây dựng cuộc sống mới XHCN trên miền Bắc, tình cảm với miền Nam và ý chí thống nhất Tổ quốc, tình cảm quốc tế vô sản rộng mở với các nước anh em. Niềm vui chiến thắng được nhân lên cùng với niềm tự hào của con người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình, vững tin vào tương lai đã đem đến cho tập thơ Gió lộng cảm hứng lãng mạn phơi phới cùng với khuynh hướng sử thi đậm nét.

BA BÀI THƠ TRĂNG

Trăng qua rào song
Trăng nghiêng mặt cười
Lâng lâng mây hồng
Trăng lên khơi vơi

Trăng bằng vàng điệp
Mây bằng thuỷ ngân
Trời tung sắc đẹp
Thơ bay lên vần

Rồi thôi trăng qua
Trăng đi xa rồi
Ôi vầng trăng xa
Bao giờ luân hồi ?

Nguờì tù đứng lặng
Nghe buồn tê da
Rào song sắt nặng
Tàn canh tiếng gà…

(Lao Thừa Thiên – 1940)

II

Trăng đi qua núi qua rừng
Hỏi anh T.S “Có ưng nhắn gì ?”
– Qua rừng qua núi trăng đi
Nhắn giùm với bạn: “Có khi mình về”

(Dakgley 1942)

III

Đêm qua trăng sáng Cổ Ngư
Trăng đầy mặt nước, trăng như mặt người
Trăng tươi mặt ngọc trên trời
Ngẩn ngơ trăng ngó mặt người như trăng.

(1959)

 

BÀI CA MÙA XUÂN 1961

Tôi viết bài thơ xuân
Nghìn chín trăm sáu mốt
Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt
Nắng soi sương giọt long lanh…
Rét nhiều nên ấm nắng hanh
Đắng cay lắm mới ngọt lành đó chăng?
Giã từ năm cũ bâng khuâng
Đã nghe xuân mới lâng lâng lạ thường!

***

Chào xuân đẹp! Có gì vui đấy
Hỡi em yêu? Mà má em đỏ dậy
Như buổi đầu hò hẹn, say mê
Anh nắm tay em, sôi nổi, vụng về
Mà nói vậy: “Trái tim anh đó
Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ:
Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều
Phần cho thơ, và phần để em yêu…”
Em xấu hổ: “Thế cũng nhiều anh nhỉ!”
Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí
Dắt nhau đi, cho đến sáng mai nay
Anh đón em về, xuân cũng đến trong tay!

***

Ôi tiếng hót vui say con chim chiền chiện
Trên đồng lúa chiêm xuân chao mình bay liệng
Xuân ơi xuân, vui tới mông mênh
Biển vui dâng sóng trắng đầu ghềnh
Thơ đã hát, mát trong lời chúc:
Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh
Tam Đảo, Ba Vì vui núi xuân xanh…
Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng
Ta đứng đây, mắt nhìn bốn hướng
Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau
Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu!
Trải qua một cuộc bể dâu
Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình
Nổi chìm kiếp sống lênh đênh
Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều!
Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu
Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng…
Ôi tiếng của cha ông thuở trước
Xin hát mừng non nước hôm nay:
Một vùng trời đất trong tay
Dẫu chưa toàn vẹn, cũng bay cờ hồng!
Việt Nam, dân tộc anh hùng
Tay không mà đã thành công nên người!
Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người sống để yêu nhau
Đảng cho ta trái tim giàu
Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay!

***

Đời vui đó, hôm nay mở cửa
Như dãy hàng bách hóa của ta
Hỡi những người yêu, hãy ghé mua hoa
Và đến đó, sắm ít quà lễ cưới:
Lụa Nam Định đẹp tươi mát rượi
Lược Hàng Đào chải mái tóc xanh!
Ta còn nghèo, phố chật nhà gianh
Nhưng cũng đủ vài tranh treo Tết…
Đời vui đó, tiếng ca Đoàn kết
Ta nắm tay nhau xây lại đời ta
Ruộng lúa, đồng khoai, nương sắn, vườn cà
Chuồng lợn, bầy gà, đàn rau, ao cá
Dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá
Mỗi hòn than, mẩu sắn, cân ngô
Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ!

***

Ồ thích thật, bài thơ miền Bắc
Rất tự do nên tươi nhạc, tươi vần
Cả không gian như xích lại gần
Thời gian cũng quên tuần quên tháng.
Đời trẻ lại. Tất cả đều cách mạng!
Rũ sạch cô đơn, riêng lẻ, bần cùng
Quê hương ta rộn rã cuộc vui chung
Người hợp tác nên lúa dày thêm đó.
Đường nở ngực. Những hàng dương liễu nhỏ
Đã lên xanh như tóc tuổi mười lăm
Xuân ơi Xuân, em mới đến dăm năm
Mà cuộc sống đã tưng bừng ngày hội
Như hôm nay, giữa công trường đỏ bụi
Những đoàn xe vận tải nối nhau đi
Hồng Quảng, Lào Cai, Thái Nguyên, Việt Trì
Tên đất nước reo vui bao tiếng gọi…

***

Nào đi tới! Bác Hồ ta nói
Phút giao thừa, tiếng hát đêm xuân
Kế hoạch năm năm. Mời những đoàn quân
Mời những bàn chân, tiến lên phía trước.
Tất cả dưới cờ, hát lên và bước!
Đi ta đi! Khai phá rừng hoang
Hỏi núi non cao, đâu sắt đâu vàng ?
Hỏi biển khơi xa, đâu luồng cá chạy ?
Sông Đà, sông Lô, sông Hồng, sông Chảy
Hỏi đâu thác nhảy, cho điện quay chiều ?
Hỡi những người trai, những cô gái yêu
Trên những đèo mây, những tầng núi đá
Hai bàn tay ta hãy làm tất cả!
Xuân đã đến rồi. Hối hả tương lai
Khói những nhà máy mới ban mai…

***

Tôi viết cho ai bài thơ 61 ?
Đêm đã khuya rồi, rét về tê buốt
Hà Nội rì rầm… Còi thổi ngoài ga
Một chuyến tàu chuyển bánh đi xa
Tiếng xình xịch, chạy dọc đường Nam Bộ…
Ôi đâu phải con tàu! Trái tim ta đó
Tiếng đập thình thình, muốn vỡ làm đôi!
Ta biết em rất khỏe, tim ơi
Không khóc đấy. Nhưng sao mà nóng bỏng
Như lửa cháy trong lòng ta gió lộng ?
Mấy hôm nay, như đứa nhớ nhà
Ta vẩn vơ hoài, rạo rực, vào ra
Nghe tiếng mõ và nghe tiếng súng
Miền Nam dậy, hò reo náo động!
Ba con tôi đã ngủ lâu rồi
Còn bao nhiêu chưa được ngủ trong nôi
Miền Bắc thiên đường của các con tôi!
Gà gáy sáng. Thơ ơi, mang cánh lửa
Hãy bay đi! Con chim kêu trước cửa
Thêm một ngày xuân đến. Bình minh
Cành táo đầu hè quả ngọt rung rinh
Như hạnh phúc đơn sơ, ước mơ nho nhỏ
Treo trước mắt của loài người ta đó:
Hòa bình
Ấm no
Cho
Con người
Sung sướng
Tự do!

(24-1-1961)

CÁNH CHIM KHÔNG MỎI
Chiều nay gió lặng, nắng hanh
Mây hồng trắng nõn, trời xanh, Bác về
Sông hồng nắng rực bờ đê
Nắng thơm rơm mới, đồng quê gặt mùa

Bác đi, muôn dặm đường xa
Hôm nay tuyết lạnh, nay vừa nắng lên
Bác về, tóc có bạc thêm?
Năm canh, bốn biển, có đêm nghĩ nhiều?

Hỡi Người, tim những thương yêu
Cánh chim không mỏi sơm chiều vẫn bay
Chim kêu tung cánh chim bay
Ba mươi sáu triệu chim bầy gọi nhau

Chim kêu ríu rít trên đầu
Mùa cam đương ngọt địa cầu của ta
Giá sương đwogn hẹn mùa hoa
Nắng xuân từ Mạc-tư-khoa đã về.

Sông hồng nắng rực bờ đê
Nắng thơm rơm mới, đồng quê gặt mùa
Hoa ơi, con gái của cha
Cha nâng con nhé, làm hoa mừng Người.

Bác về, vui đó, con ơi!
Bác hôn các cháu, bác cười với dân
Ngày vui vui những hai lần:
Bác về, mang cả mùa xuân lại nhà.

(12-1960)

EM ƠI…BA LAN

Em ơi, Ba Lan mùa tuyết tan
Đường bạch dương sương trắng nắng tràn
Anh đi, nghe tiếng người xưa vọng
Một giọng thơ ngâm, một giọng đàn

Có phải Sô-panh tình chứa chan
Nâng đàn ca Cô gái Ba Lan
Có phải A-đam hồn vĩ đại
Bay trên đầu thế kỷ nhân gian…

Em đi cùng anh lên thành xưa
Vác-xa-va ấm nắng ban trưa
Nét vàng lịch sử vừa tươi lại
Trong cuộc hồi sinh, tạnh gió mưa

Hãy nghe em từng viên đá lát
Những con đường, tiếng hát đau thương
Ba Lan, Ba Lan
Thịt da đã bao lần tan nát
Nước mất, tim về vọng cố hương

Hãy nghe em từng viên ngói đỏ
Những mái nhà phố cũ hồi xuân
Máu đã quyện, em ơi, trong đó
Máu Ba Lan và máu Hồng quân!

Ôi máu đọng mười lăm năm trước
Bốn triệu hồn kêu Nước trong đêm
Em ơi em, làm sao quên được
Ốt-sơ-ven-xim, Ốt-sơ-ven-xim!

Nhớ nghe em, những đôi giày nhỏ
Tưởng còn đi chập chững chân son
Những mái tóc vàng tơ đóng bó
Dệt thành chăn rợn bóng oan hồn!

Anh đã đến quê em Cra-cốp
Như quê anh lộng lẫy cung đền
Hồng quân cứu Va-ven xinh đẹp
Như Thạch Sanh đánh ó cứu nàng tiên…

Anh đã đến quê em Ban-tích
Sóng ngời xanh, ngọc bích biển khơi
Đã xóa sạch những ngày Đăng-dích
Màu Ba Lan trong trắng đỏ tươi

Khắp quê em, mùa xuân đến rồi
– Dù đêm qua chút tuyết còn rơi
– Hỡi người chị bên đường quét tuyết
Xuân đến rồi, nắng đỏ trên môi.

Nắng trên cao cần trục xây nhà
Nắng lưng tàu phấp phới đi xa
Nắng đỏ ngực anh, người thủy thủ
Đẹp như lò Nô-va Hu-ta

Khắp quê em, mùa xuân mang tên
Những người con đẹp của trăm miền
Hôm nay gọi nhau về Đại hội
Mở thêm đường, đi lên, đi lên

Mùa xuân đó, quê em ấm áp
Chân người đi, vào cuộc đời chung
Ngựa đang kéo đồng lên hợp tác
Đường ta đi tấp nập vô cùng!

Em ơi, Ba Lan mùa tuyết tan
Đường bạch dương sương trắng nắng tràn
Anh đi, nghe tiếng đàn xuân ấy
Ca ngàn năm: Ba Lan, Ba Lan…

HOA TÍM

(Tặng Ng. T.)

Thuỷ chung tình bạn chùm hoa tím
Hôn hít hoa thơm, tưởng Huế gần
Bữa mô mời bạn vô chơi Huế
Cồn Hến buồm giong ngược bến Tuần.

MẸ TƠM

Tôi lại về quê mẹ nuôi xưa
Một buổi trưa, nắng dài bãi cát
Gió lộng xôn xao, sóng biển đu đưa
Mát rượi lòng ta ngân nga tiếng hát…

Mười chín năm rồi. Hôm nay lại bước
Đoạn đường xưa, cát bỏng lưng đồi.
Ôi có phải sóng bồi thêm bãi trước
Hay biển đau xưa rút nước xa rồi ?

Hòn Nẹt ta ơi! Mảng về chưa đó
Có nhiều không con nục con thu ?
Chào những buồm nâu thuyền câu Diêm Phố!
Nhớ nhau chăng, hỗi Hanh Cát, Hanh Cù ?

Tôi lại về đây, hỡi các anh
Hỡi rừng sa mộc, khóm dừa xanh
Hỡi đồi cát trắng rung rinh nắng
Hỡi những vườn dưa đỏ ngọt lành!

Như đứa con đi, biệt xóm làng
Nửa đời bỗng nhớ bóng quê hương
Nhớ lều rơm ướt sương khuya sớm
Bãi vắng đìu hiu lạc dấu đường…

Con đã về đây, ơi mẹ Tơm
Hỡi người mẹ khổ đã dành cơm
Cho con, cho Đảng ngày xưa ấy
Không sợ tù gông, chấp súng gươm

Nhà ai mới nhỉ, tường vôi trắng
Thơm nức mùi tôm nặng mấy nong
Ngồn ngộn sân phơi khoai dát nắng
Giếng vườn ai vậy, nước khơi trong ?

Ngơ ngác trông quanh, lạ mấy lần
Hỏi thăm cô gái má bồ quân
Mái đầu tóc xõa xanh bên giếng
– Vâng đúng nhà em, bác nghỉ chân

– Ô kìa, cô bé nói hay sao!
Nhà của tôi, ai lại hỏi chào
Như thể khách đường xa gác lại
Bố đi đâu, hĩm, mẹ đâu nào?
Nhiều đấy ư em, mấy tuổi rồi?
– Hai mươi
– Ờ nhỉ, tháng năm trôi
Sóng bồi thêm bãi, thuyền thêm bến
Gió lộng đường khơi, rộng đất trời!
– Ông mất năm nao, ngày độc lập
Buồm cao đỏ sóng bóng cờ sao
Bà “về” năm đói, làng treo lưới
Biển động: Hòn Mê, giặc bắn vào…

Bâng khuâng chuyện cũ: Một chiều thu
Mười chín năm xưa, mấy bạn tù
Vượt ngục, băng rừng, tìm mối Đảng
Duyên may, dây nối, đất Hanh Cù.

Đầu thôn, cồn vắng, túp lều rơm;
Tổ ấm chim về. Có mẹ Tơm
Hai đứa trai ngày đi cúp dạo
Nồi khoai sớm tối lót thay cơm.

Thương người cộng sản, căm Tây – Nhật
Buồng Mẹ – buồng tim – giấu chúng con
Đêm đêm chó sủa… Làng bên động ?
Bóng Mẹ ngồi canh lẫn bóng cồn…

Chợ xa, Mẹ gánh mớ rau xanh
Thêm bó truyền đơn gọi đấu tranh
Bãi cát vàng thau in bóng Mẹ
Chiều về… Hòn Nẹ… Biển reo quanh…

Sóng hãy gầm lên, gió thét lên!
Triều dâng. Chèo mạnh, thuyền ơi thuyền!
Vui chăng, hỡi Mẹ, đời vui đó:
Cờ đỏ ta lay động mọi miền!

Nhưng một đêm mưa, ướt bãi cồn
Lính về, lính trói cả hai con
Máu con đỏ cát đường thôn lạnh
Bóng mẹ ngồi trông, vọng nước non!

Ôi bóng người xưa, đã khuất rồi
Tròn đôi nắm đất trắng chân đồi.
Sống trong cát, chết vùi trong cát
Những trái tim như ngọc sáng ngời!

Đốt nén hương thơm, mát dạ Người
Hãy về vui chút mẹ Tơm ơi!
Nắng tươi xóm ngói, tường vôi mới
Phấp phới buồm dong, nắng biển khơi…

(7-1961)

MÙA THU MỚI

Ngày mỗi ngày, từng chiếc lá tre xanh
Đã mọc lên quanh những làng kháng chiến
Ngày mỗi ngày từng miếng đất cỏ gianh
Đã lật lên dưới lưỡi cày mới luyện

Vui cứ đến ngày mỗi ngày, nhỏ nhỏ
Như từng cây cờ đỏ mọc trên đời.
Vui cứ đến, tự bao giờ chẳng rõ
Như suối ngầm trong đất chảy trăm nơi…

Bỗng hôm nay nghe mùa thu mới gọi
Bao nhiêu vui chất chứa bấy nhiêu ngày
Ùa cả dậy vui tràn đầy chói loi
Những trái tim, những ánh mắt, bàn tay!

Ôi đâu phải, qua đêm dài lạnh cóng
Mặt trời lên là hết bóng mù sương!
Ôi đâu phải, qua đoạn đường lửa bỏng
Cuộc đời ta bỗng chốc hoá thiên đường!

Nhưng sắc đẹp đã ửng hường đôi má
Cộng hoà ta nay tuổi mới mười ba
Sức đang lớn, chưa nở nang tất cả
Đã vui rồi, môi đỏ nụ cười hoa!

Yêu biết mấy, những dòng sông bát ngát
Giữa đôi bờ rào rạc lúa ngô non
Yêu biết mấy, những con đường ca hát
Qua công trường mới dựng mái nhà son!

Yêu biết mấy, những bước đi dáng đứng
Của đời ta chập chững buổi đầu tiên
Tập làm chủ, tập làm người xây dựng
Dám vươn mình cai quản lại thiên nhiên!

Yêu biết mấy, những con người đi tới
Hai cánh tay như hai cánh bay lên
Ngực dám đón những phong ba dữ dội
Chân đạp bùn không sợ các loài sên!

Thơ ta ơi! Hãy cất cao tiếng hót
Ca ngợi trăm lần Tổ quốc chúng ta!
Mùa thu đó, đá bắt đầu trái ngọt
Và bất đầu nở rộ những vườn hoa…

(8-1958)

NGƯỜI CON GÁI VIỆT NAM

(Tặng chị Lý anh dũng)

Em là ai ? Cô gái hay nàng tiên
Em có tuổi hay không có tuổi
Mái tóc em đây, hay là mây là suối
Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông
Thịt da em hay là sắt là đồng ?

Cho tôi hôn bàn chân em lạnh ngắt
Cho tôi nâng bàn tay em nắm chặt
Ôi bàn tay như đôi lá còn xanh
Trên mình em đau đớn cả thân cành

Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng
Em đã sống lại rồi, em đã sống!
Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung
Không giết được em, người con gái anh hùng!

Ôi trái tim em trái tim vĩ đại
Còn một giọt máu tươi còn đập mãi
Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời
Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người!

Từ cõi chết, em trở về, chói lọi
Như buổi em đi, ngọn cờ đỏ gọi
Em trở về, người con gái quang vinh
Cả nước ôm em, khúc ruột của mình.

Em đã sống, bởi vì em đã thắng
Cả Nước bên em, quanh giường nệm trắng
Hát cho em nghe như tiếng mẹ ngày xưa
Sông Thu Bồn giọng hát đò đưa…

Cả nước cho em, cho em tất cả
Máu tiếp máu, cho lại hồng đôi má
Cho mái tóc em xanh lại ngày xuân
Cho thịt da em lại nở trắng ngần

Em sẽ đứng trên đôi chân tuổi trẻ
Đôi gót đỏ lại trở về quê mẹ
Em sẽ đi, trên đường ấy thênh thang
Như những ngày xưa, rực rỡ sao vàng!

Ôi đôi mắt của em nhìn, rất đẹp
Hãy sáng mãi niềm tin tươi ánh thép
Như quê em Gò Nổi, Kỳ Lam
Hỡi em, người con gái Việt Nam!

(7-12-1958)

NHÀ LÊ-NIN

Nhà Lê-nin, ở nước Goóc-ky
Khi tôi đến
Lê-nin như vừa đi
Người rất bận:
Ngày ngày
Vô tận
Nguời người nối bước trước Krem-lin
Mong gặp Lê-nin
Trong một phút giây im lặng

Lê-nin đi vắng
Nhưng trong vườn sên đầy nắng
Chiếc ghế sơn xanh còn ấm hơi Người
Ba mươi bốn năm xưa
Ngồi dưới mặt trời
Viết những dòng
Ánh sáng

*

Bâng khuâng nghe năm tháng
Đẹp như người con gái nước Nga
Hôm nay đưa tôi qua những căn nhà
Kẻ lại từng chương sử đỏ
Cách mạng tháng Mười
Đảng Cộng sản Liên Xô từ đó
Với Lê-nin, làm lại loài người
Với Lê-nin, làm thế kỷ hai mươi
Trong đêm tối, mở chân trời hừng hực
Mẹ ơi, đẻ con ra trong khổ cực
Mẹ chưa hay từ đó có Liên Xô
Có Lê-nin hằng che chở con thơ
Người nhắm mắt khi con vừa bốn tuổi.
Người đã sống đến giây phút cuối:
Chiếc gậy cầm tay còn gác cạnh bàn
Bậc thang nhà còn ấm những lan can
Và tấm lịch đứng lại ngày 21
Vẫn tươi sáng những con người: Sê-khốp

Ôi Lê-nin
Có thể nào tin
Thời đại ta đã mất
Một Con Người đẹp nhất ?
Vĩnh viễn Lê-nin sống giữa loài người
Vầng trán mênh mông đôi mắt yêu đời
Như trái đất vui mùa xuân mới dậy.
Tôi đã đi
Giữa mùa hè chín mẩy
Xi-bê-ri hay Tbi-li-xi
Đâu đâu tôi cũng thấy
Lê-nin
Mỗi công trường xưởng máy
Lê-nin, ấy là lò thép chảy
Thành những óc tim, lửa cháy bừng bừng
Trên thảo nguyên, đồng nội, núi rừng
Lê-nin, ấy là nguồn điện lực
Với Xô Viết, làm thiên đường sáng rực!
Khắp những nẻo đường náo nức tôi đi
Hiển hiện Lê-nin phơi phới diệu kỳ
Nhịp sống lớn trên dáng đi bay nhảy
Những ánh mắt của thiên tài thức dậy…
Rất tự do, nên rất tự hào.
Mỗi con người nhấp nhánh một ngôi sao!

*

Lê-nin đó
Muôn triệu lần nảy nở
Giữa loài ta
Muôn triệu lần rạng rỡ
Như mặt trời chói giữa biển bao la
Lê-nin đó
Ngời ngời chân lý
Như những ngày xưa
Người là đồng chí
Hồn nhiên giản dị
Giữa công nông ngồi chật quanh Người
Rất yêu thương, đôi mắt nheo cười.
Như những ngày xưa
Người là chiến sĩ
Không sợ gian nguy, không giờ phút nghỉ
Ghét mọi quân thù, ghét mọi nước sơn
Suốt đời mang tấm áo dạ sờn
Đôi dày ống gót mòn sỏi đá.

*

Đám tang ai
Đi trong tuyết giá
Mạc-tư-khoa trắng lạnh
Muôn nghìn kim
Đau buốt trái tim

Tôi vẫn thấy Lê-nin
Bình thuờng khoẻ mạnh
Giữa mùa đông nước Nga
Cùng công nhân đi vác gỗ xây nhà.
Và chiều nay trước phút vội đi xa
Người còn nghe
thánh thót
Krup-skai-a
Đọc trong sách
“Tình yêu cuộc sống”.

(2-1958)

PHẠM HỒNG THÁI

Sống, chết, được như Anh
Thù giặc, thương Nước mình
Sống, làm quả bom nổ
Chết, như dòng nước xanh.

(1956)

QUA LIỄU CHÂU

Tàu qua ga Liễu Châu
Bác xưa tù nơi đâu?
Đêm rét, tê xiềng xích
Thương nước, dài tóc nâu.

(1956)

QUÊ MẸ

Huế ơi, quê mẹ của ta ơi!
Nhớ tự ngày xưa , tuổi chín mười
Mây núi hiu hiu, chiều lặng lặng
Mưa nguồn gió biển, nắng xa khơi…

Tiếng hát đâu mà nghe nhớ thương!
Mái nhì man mác nước sông Hương
Hà ơi, tiếng mẹ ru nhè nhẹ
Cay đắng bao nhiêu nổi đoạn trường!

Ôi những đêm xưa, tối mịt mùng
Con nằm bên mẹ, ấm tròn lưng
Ngoài hiên nghe tiếng giày đi rỏn
Mẹ bấm con im: Chúng nó lùng

Con hỏi vì sao chúng nó tìm
Tìm ai, con hỏi, mẹ rằng: Im!
Mẹ ơi, đời mẹ buồn lo mãi
Thắt ruột mòn gan, héo cả tim

*

Mẹ không còn nữa, còn đây Huế
Con lớn lên, con biết lẽ rồi:
Nước mất nhà tan, đời khổ thế
Không làm nô lệ đứng lên thôi!

Con lớn lên, con tìm Cách mạng
Anh Lưu, anh Diểu dạy con đi
Mẹ không còn nữa, con còn Đảng
Dìu dắt con khi chửa biết gì.

Huế không buồn nữa, Huế ta ơi
Mắt ướt trăm năm đã hé cười
Nghìn mảnh tương lai về phấp phới
Truyền đơn cờ đỏ gió tung trời.

Roi điện cùm xai toé máu tươi
Xà lim không thể khóa hồn người
Bừng bừng tiếng hát rung song sắt
Tiếng hát ta bay lộng giữa đời…

Tháng Tám vùng lên Huế của ta
Quảng – Phong ơi, Hương Thủy, Hương Trà
Phú Vang, Phú Lộc đò lên Huế
Đỏ ngập dòng sông rộn tiếng ca.

*
Từ ấy, xa quê mẹ đến rày
Lắng nghe từng buổi, nhớ từng ngày
Giặc về giặc chiếm đau xương máu
Đau cả lòng sông, đau cỏ cây!

Cắn răng gian khổ tám năm trời
Huế của ta không một bước lùi
Huế của ta đây cầm vững súng
Chúng bay không thể có đường vui

Chúng bay không thể có ngày mai
Chết dưới chân bay vạn bẫy gài
Chết xuống đầu bay từng hốc núi
Hải Vân thăm thẳm huyệt đêm ngày!

Làng ta giặc đốt mấy lần qua
Mà đất Phù Lai vẫn tốt cà
Mà quít Hương Cần ta vẫn ngọt
Nhớ anh du kích trấn Dương Hòa

Chí ta như núi Thiên Thai ấy
Đỏ rực chiều hôm dậy cánh đồng
Lòng ta như nước Hương Giang ấy
Xanh biếc lòng sông những bóng thông…

*

Lửa chiến tranh nay đã tắt rồi
Mà lòng ta vẫn cháy không nguôi
Mẹ ơi dưới đất còn chua xót
Những tiếng giày đinh đạp núi đồi!

Ôi Huế ngàn năm, Huế của ta
Đường vào sẽ nối lại đường ra
Như con của mẹ về quê mẹ
Huế lại về đây giữa Cộng hòa.

(6-2-1955)

THÙ MUÔN ĐỜI MUÔN KIẾP KHÔNG TAN

Đồng bào ơi, anh chị em ơi!
Hỡi lương tâm tất cả loài người
Hãy nghe tiếng của nghìn người bị giết
Không sống nữa, nhưng không chịu chết
Nghìn hồn oan bay khắp nhân gian
Thù muôn đời, muôn kiếp không tan!

Hãy nghe tiếng của nghìn xác chết
Chết thê thảm, chết một ngày bi thiết
Cả nghìn nguời, trong một trại giam
Của một nhà tù lớn: Miền Nam!
Hãy nghe tiếng của một nghìn cái xác
Không chịu chết, vạch trời kêu tội ác!

Trong một ngày – Mồng một tháng mười hai
– Nào ai ngờ không sống nữa ngày mai!
Chúng tôi chết, chết quay lăn lóc
Đứt ruột đứt gan, nắm cơm thuốc độc
Chết mà chưa giết được lũ đê hèn
Trái tim hồng chết uất máu bầm đen

Ôi chết hết, không thể nào chết được!
Không thể chết, những người dân yêu nước
Những con người không chịu ô danh
Những người con không muốn chiến tranh
Những người cha không muốn nhơ quốc thể
Những người mẹ không muốn con nô lệ!

Đồng bào ơi, anh chị em ơi!
Sống, chúng tôi mong được sống làm người
Dù đã chết, mà còn trời còn đất
Mà Tổ quốc ta hoà bình, thống nhất
Chúng tôi không sợ máu chảy đầu rơi
Thà chết không chịu khuất phục một lời!

Chúng đã giết, nhưng làm sao giết được
Hồn chúng tôi quẩn quanh cùng đất nước
Như bóng dừa ôm những xóm làng yêu
Như bóng cò bay sớm sớm chiều chiều
Như sông lạch vẫn tắm đồng xanh mát
Như sóng biển vẫn dập dìu ca hát!

Đồng bào ơi, anh chị em ơi!
Chúng tôi không thể sống lại rồi
Những xác chết, không thể nào cứu nữa!
Hãy cứu những anh em trong máu lửa
Nhớ lấy: nắm cơm thuốc độc giết người
Quân thù còn vương vãi khắp nơi!

Thuốc độc đó, trong tay bầy chó Mỹ
Những “độc lập”, “quốc gia”, “nhân vị”
Những đô-la và những súng gươm
Miền Nam ơi! Thuốc độc giấu trong cơm
Quăng xuống biển những thằng mang thuốc độc
Những con chó giữ vàng cho Bạch ốc.

Đồng bào ơi, anh chị em ơi!
Chúng tôi không thể thét nữa rồi!
Lửa đã đốt những thây đen thuốc độc
Súng đã bắn những đầu xanh gan góc
Chết vẫn leo trên những mái nhà giam
Kêu cả loài người: Cứu lấy Miền Nam!

Đồng bào ơi, anh chị em ơi!
Chúng tôi không còn sống trên đời
Chúng tôi chẳng còn trên mặt đất
Nhưng miềnn Nam, những trại giam con chật
Nghìn vạn chúng tôi, nghìn vạn con người
Chết rục chết mòn, vắng bặt tăm hơi!

Hỡi tất cả những người đang sống
Hãy thay chúng tôi, truyền đi vang động
Tiếng vọng căm thù, tiếng vọng đau thương
Của miền Nam bất khuất kiên cường:
Hãy chặn lại những bàn tay đẫm máu
Của Mỹ-Diệm! Và bền gan chiến đấu!
Và chúng bay, Mỹ-Diệm giết người
Hãy nghe đây, chúng ta nói một lời
Hãy nghe tiếng của những người đã sống:
Những thuốc độc, xiềng gông, gươm súng
Đã giết ta, sẽ giết lại loài bay
Bão ngày mai là giá nổi hôm nay!
Trời chớp giật, tất đến ngày sét đánh!

(20-1-1959)

TIẾNG CHỔI TRE

Những đêm hè,
Khi ve ve
Đã ngủ!
Tôi lắng nghe,
Trên đường
Trần Phú
Tiếng chổi tre,
Xao xác
Hàng me
Tiếng chổi tre,
Đêm hè
Quét rác.

Những đêm đông
Khi cơn giông
Vừa tắt
Tôi đứng trông
Trên đường
Lặng ngắt
Chị lao công
Như sắt
Như đồng
Chị lao công
Đêm đông
Quét rác

Sáng mai ra
Gánh hàng hoa
Xuống chợ
Hoa Ngọc Hà
Trên đường
Rực nở
Hương bay xa
Thơm mát
Đường ta
Nhớ nghe hoa
Người quét
Rác đêm qua.

Tiếng chổi tre
Chị quét
Những đêm hè
Đêm đông
Gió rét
Tiếng chổi tre
Sớm tối
Đi về
Giữ sạch lề
Đẹp lối
Em nghe.

6-1960

TIẾNG RU

Con ong làm mật, yêu hoa
Con cá bơi, yêu nước; con chim ca, yêu đời
Con người muốn sống, con ơi
Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.

Một ngôi sao, chẳng sáng đêm
Một thân lúa chín, chẳng nên mùa vàng.
Một người đâu phải nhân gian ?
Sống chăng, một đống lửa tàn mà thôi!

Núi cao bởi có đất bồi
Núi chê đắt thấp núi ngồi ở đâu ?
Muôn dòng sông đổ biển sâu
Biển chê sông nhỏ, biển đâu nước còn ?

Tre già yêu lấy măng non
Chắt chiu như mẹ yêu con tháng ngày
Mai sau con lớn hơn thày
Các con ôm cả hai tay đất tròn

TRƯỚC KREM-LIN

Như giọt máu trong dòng nhiệt huyết
Chảy về tim
Tôi hoà trong dòng người bất tuyệt
Đi lặng im
Trên đá lát Hồng trường…

*

Ôi những ai về đến quê hương
Có bâng khuâng ?
Nghe những gì không rõ
Trong im lặng. Nắng vừa lên ửng đỏ
Thành Krem-lin
Ở đó có Lê-nin
Có cả đời ta trong đó
Gửi Iòng tin
Từ những ngày xưa đói cơm rách áo
Từ bóng tối xà-lim Côn Đảo
Ban Mê, Lao Bảo, Sơn La
Viết lên tường đỏ máu: Mạc Tư Khoa!
Ôi Việt Nam Tổ quốc chúng ta!
Dưới gươm súng
Bao nhiêu đầu đã rụng
Bao nhiêu ngực đã thủng
Cho tự do. Cho mỗi chúng ta.
Cho loài người. Cho ngày mai hát ca!
Mạc Tư Khoa yêu mến!
Cảm ơn Người đã cho ta hãnh diện
Làm những con người có đủ óc tim
Thà mất đầu, không chịu cúi đầu im!

Tôi nhả mũ. Chào Lê-nin vĩ đại
Người thấy đó – bởi vì Người sống mãi
Chúng tôi đây, những đồng chí Việt Nam
Đến bên Người, như đến với lương tâm
Trong ánh sáng hồng tươi nét mặt
Như mặt trời không bao giờ tắt
Trên đất nước Liên Xô
Lê-nin nằm nhắm mắt.
Hơn mọi nhà thơ
Có lẽ Người đang mải giấc mơ
Để thấy trước những bước đường lịch sử…

Người không nói. Nhưng trán Người tư lự
Lắng nghe nghìn câu hỏi từ xa
Từ những phương trời còn những phong ba
Những bà mẹ, những cụ già khắc khoải:
Làm sao hết chiến tranh
Đừng bao giờ trở lại!
Làm sao cho nhân loại một nhà.
Và làm sao cho tất cả màu da
Hoà hợp lại như một vầng ráng đẹp!
– Hãy rèn luyện những tâm hồn gang thép
Và đứng lên
Tin ở sức mình.
Không sợ gian nan
Không sợ thần linh
Trời không có thiên thần
Đất không có thánh nhân
Chỉ có nhân dân – thần thánh
Và chỉ Đảng làm nên sức mạnh
Cho ta đôi cánh
Bay tới chân trời.

*

Ôi Lê-nin
Đứng bên Người
Và đứng trước Krem-lin
Mỗi con người lớn lên nghìn thước.

(1-1958)

XƯA…NAY

Xưa là rừng núi, là đêm
Giờ thêm sông biển, lại thêm ban ngày
Ta đi trên trái đất này
Dang tay bè bạn, vui vầy bốn phương

Trên bãi Thái Bình dương sóng gió
Phơi phới bay cờ đỏ sao vàng
Chúng ta đứng thẳng hiên ngang
Sáng ngời một ngọn hải đăng hòa bình.

Cảm ơn Người, Hồ Chí Minh vĩ đại
Bốn nghìn năm, ta lại là ta.
Việt Nam dân chủ cộng hòa
Hôm nay mười tuổi cầm hoa tặng Người.

(Mừng ngày lịch sử Hồ Chủ tịch và Chính phủ về Thủ đô)