CHỦ NGHĨA NHÂN ĐẠO TRONG VĂN HỌC HIỆN THỰC PHÊ PHÁN 1930-1945

Lượt xem:

Đọc bài viết

BIỂU HIỆN CỤ THỂ CỦA CHỦ NGHĨA NHÂN ĐẠO TRONG VĂN HỌC HIỆN THỰC PHÊ PHÁN 1930 – 1945 QUA MỘT SỐ TÁC PHẨM CƠ BẢN

 Bối cảnh xã hội Việt Nam giai đoạn 1930-1945.

– Mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt( Mâu thuẫn giữa thực dân phong kiến. Mâu thuẫn giữa phong kiến với tư sản. Mâu thuẫn giữa tư sản với thực dân.)

– Thực dân Pháp tăng cường bóc lột nhân dân, đàn áp cách mạng, đặc biệt từ sau năm 1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời đẩy mạnh đấu tranh giai cấp.

– Năm 1940, Nhật nhảy vào Đông Dương. Hai tên đế quốc Pháp – Nhật cùng ra sức vơ vét thóc gạo, thực phẩm, nguyên liệu dẫn đến nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu 1945.

– Đời sống nhân dân ngày càng kiệt quệ:

+ Ở nông thôn: dân cày bị đày đọa bởi đủ thứ “ tai trời , ách đất”. Cảnh đói khát, bán vợ đợ con diễn ra thê thảm.

+ Ở thành thị: công nhân viên chức bị sa thải, dân nghèo tăng nhanh về số lượng, sống cầu bơ cầu bất.

Hiện thực cuộc sống tối tăm trong những năm đau thương trước Cách mạng tác động đến các nhà văn. Các nhà văn cho ra đời các tác phẩm văn học vừa có giá trị hiện thực vừa có giá trị nhân đạo sâu sắc.

Những biểu hiện cụ thể:

* Giá trị nhân đạo trong tác phẩm “Chí Phèo”

Trong tác phẩm “Chí Phèo”, Nam Cao đã dành cho người nông dân mà ông từng gắn bó sâu nặng những tình cảm nhân đạo rất sâu sắc và rộng lớn.

  1. Tư tưởng nhân đạo của Nam Cao ở đây trước hết được biểu hiện ở chỗ đã khám phá ra nỗi khổ bị đày đọa, lăng nhục, bị cự tuyệt quyền làm người của người lao động lương thiện. Nam Cao bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc với nỗi khổ đó.
  2. Qua tấn bi kịch và số phận bi thảm của Chí Phèo Nam Cao cất lên tiếng kêu cứu thảm thiết và đầy phẫn uất cho người lao động lương thiện: làm thế nào để cho con người được sống một cuộc sống xứng đáng trong cái xã hội vùi dập nhân tính ấy; hãy tiêu diệt hoàn cảnh phi nhân tính, hãy làm cho hoàn cảnh trở nên nhân đạo hơn.
  3. Tư tưởng nhân đạo của Nam Cao trong tác phẩm “Chí Phèo” còn  thể hiện qua thái độ lên án gay gắt những thế lực tàn bạo đã gây nên tấn bi kịch đau thương cho người lao động (bọn thống trị độc ác; nhà tù thực dân; những thành kiến, định kiến vô nhân đạo).
  4. Tư tưởng nhân đạo đặc sắc, độc đáo của Nam Cao ở đây còn được thể hiện ở thái độ trân trọng, nâng niu những nét đẹp của người nông dân. Cao hơn nữa, nhà văn còn khám phá ra phẩm chất lương thiện của họ ẩn giấu đằng sau những tâm hồn tưởng như u mê, cằn cỗi.
  5. Những vẻ đẹp ở Chí Phèo

– Chí Phèo vốn là người nông dân lương thiện

+ Khoẻ mạnh về thể xác (anh canh điền khoẻ mạnh).

+ Lành mạnh về tâm hồn:

  • Một thằng hiền như đất”.
  • Giàu lòng tự trọng, biết “không thích cái gì người ta khinh”; biết phân biệt giữa tình yêu cao thượng và cảm giác nhục dục thấp hèn. Những lần “bà ba, cái con quỷ cái” bắt hắn làm những việc không chính đáng “hắn thấy nhục, chứ yêu đương gì”.

+ Hắn đã từng mơ ước rất bình dị: “Có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải”, nuôi một con lợn để làm vốn liếng. “Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”.

– Khi đã bị nhà tù và xã hội thực dân phong kiến biến Chí thành “con quỷ dữ làng Vũ Đại”, nhưng dưới đáy sâu tâm hồn hắn vẫn lấp lánh ánh sáng nhân phẩm.

+ Khát khao tình yêu hạnh phúc lứa đôi: biết yêu thương, biết “say sưa”, “rưng rưng” và “bẽn lẽn” nhận ra hương vị cháo hành “Trời ơi mới thơm làm sao!”. Đó là hương vị của tình người, của tình yêu chân thành, của hạnh phúc giản dị và thấm thía lần đầu tiên Chí Phèo được hưởng. Chí Phèo muốn được sống với Thị Nở: “Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ?”. Và khi bị “cắt đứt mối tình”, Chí biết tiếc, biết buồn, biết khóc và uất ức, giận dữ.

+ Khát khao được làm người lương thiện. Chí Phèo “muốn được làm người lương thiện” ! “Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hoà với mọi người biết bao!”. “Thị Nở có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thể được. Họ sẽ lại nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng… của những người lương thiện”. Điều đó đã có lúc khiến cho Chí Phèo hồi hộp hi vọng.

+ Có tinh thần phản kháng: Khi bị Thị Nở cự tuyệt và nhận ra mọi nẻo đường trở lại xã hội loài người bị chặn đứng, Chí Phèo đã đến thẳng nhà Bá Kiến, vung lưỡi dao căm hờn lên giết chết Bá Kiến- kẻ thù khủng khiếp đã cướp cả nhân hình lẫn nhân tính của Chí để đòi quyền làm người lương thiện của mình. Sau đó, Chí Phèo đã tự sát vì tuyệt vọng, vì Chí không muốn sống tăm tối, tủi nhục như kiếp sống thú vật nữa.

Dựng lên một hình tượng người nông dân bị tha hoá, “một con quỷ dữ của làng Vũ Đại”, Nam Cao không hề có ý bôi nhọ người nông dân, trái lại đã dõng dạc khẳng định nhân phẩm của  họ, trong khi họ đã bị rách nát cả hình hài lẫn tâm hồn. Điều đó chứng tỏ con mắt nhân đạo của Nam Cao rất sâu sắc, mới mẻ và “tinh đời”.

  1. Những vẻ đẹp ở nhân vật Thị Nở

– Tư tưởng nhân đạo độc đáo và mới mẻ của Nam Cao trong tác phẩm “Chí Phèo” còn được biểu hiện ở việc phát hiện ra vẻ đẹp của nhân vật Thị Nở.

+ Dưới ngòi bút của Nam Cao, Thị Nở đã trở thành người phụ nữ rát giàu tình thương. Đằng sau cái bề ngoài xấu xí và tính khí “dở hơi” còn ẩn chứa một trái tim nhân hậu. Khi Chí Phèo bị ốm, Thị Nở đã chăm sóc tận tình… Với bàn tay dịu dàng, ấm nóng nhân tình của người phụ nữ, Thị đã mang đến cho Chí một bát cháo hành còn “bốc khói”. Chính bát cháo hành ấm nóng tình người ấy đá đánh thức dậy nhân tính ở Chí Phèo.

+ Cũng như những người phụ nữ khác, Thị Nở rất khát khao tình yêu và hạnh phúc. Cuộc gặp gỡ của hai kẻ khốn khổ đã tạo nên sự đồng cảm và Thị Nở đã yêu Chí Phèo, ước ao được chung sống với Chí. Tình yêu đã làm cho người đàn bà “xấu đến nỗi ma chê quỷ hờn” ấy biến đổi một cách kì diệu: “Trông Thị thế mà có duyên. Tình yêu làm cho có duyên”. Phát hiện ra điều đó chứng tỏ cái nhìn nhân đạo của Nam Cao có chiều sâu hiếm có.

* Giá trị nhân đạo trong tác phẩm Lão Hạc

Nhắc đến Nam Cao là nhắc đến cây bút truyện ngắn hiện thực xuất sắc đẩu thế kỉ XX của văn học Việt Nam. Qua các tác phẩm viết về người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945, Nam Cao đã bộc lộ một cái nhìn nhân đạo, đầy yêu thương, trân trọng về những người đồng bào lao khổ của mình. Tư tưởng ấy cũng được thể hiện sâu sắc qua truyện ngắn Lão Hạc .

Giá trị nhân đạo của tác phẩm trước hết được khẳng định qua tấm lòng đồng cảm của nhà văn đối với những số phận bất hạnh của các nhân vật trong tác phẩm. Những con người trong tác phẩm này đều là nạn nhân của xã hội phong kiến nửa thực dân. Họ phải gồng mình chống lại nạn đói, những hủ tục phong kiến,… Và mỗi người lại có những nỗi khổ riêng. Nhân vật chính, lão Hạc, là một người có hoàn cảnh vô cùng bi đát. Vợ mất sớm, đứa con trai duy nhất bỏ đi cao su. Một mình lão phải đối mặt với tuổi già, bệnh tật, cái đói và sự cô đơn. Nhà văn hay chính là nhân vật ông giáo trong tác phẩm đã không nén được những lời thương cảm: “luôn mấy hôm lão chỉ ăn khoai”. Con trai lão Hạc cũng là một người đáng thương. Vì nhà nghèo, anh không lấy được người con gái mình yêu. Phẫn chí, anh bỏ làng đi cao su, cái đất cao su “đi dễ khó về”, “khi đi trai tráng khi về bủng beo”. Anh rời cha già luôn mấy năm, thiên truyện khép lại nhưng hình bóng anh người đọc cũng chưa được mục kích, câu hỏi về số phận của anh đành rơi vào câm lặng… Ông giáo, một nhân vật có uy tín ở làng, trong thời buổi ấy cũng túng thiếu dặt dẹo, đang sống cái đời “sống mòn”, “rỉ ra, mốc lên”. Có thể nói, “Lão Hạc” đã thể hiện lòng thương, sự đồng cảm với tất thảy những lớp người bần cùng trong xã hội Việt Nam khi ấy.

Nhưng sống trong nghèo đói mà không bị cái bần hàn bài mòn nhân phẩm, đó là một đặc điểm đáng quý của người nông dân Việt Nam. Và một biểu hiện quan trọng khác của giá trị nhân đạo trong tác phẩm là nhà văn đã biết khám phá để nâng niu trân trọng và ngợi ca phẩm chất ngời sáng trong tâm hồn những người đồng bào lao khổ của mình.

Các nhân vật trong “Lão Hạc” hầu hết đều là những người giàu tình thương. Tình phụ tử ở nhân vật lão Hạc đặc biệt cảm động. Dù rất đau lòng nhưng lão chấp nhận nỗi cô đơn hờn tủi, đồng ý để con trai ra đi theo chí hướng của mình. Con đi rồi, lão chỉ còn con chó Vàng làm bạn. Lão Hạc yêu con chó Vàng đến độ gọi nó là “cậu” Vàng, ăn gì cũng cho nó ăn cùng, cho nó ăn ra bát như người… Có điều đó không đơn giản bởi lão là người yêu động vật. Hãy nghe lời tâm sự của lão với ông giáo: con chó ấy là của cháu nó để lại. Vậy là lão Hạc yêu con Vàng phần lớn bởi đó là kỉ vật duy nhất do con để lại. Lão đã dồn toàn bộ tình cha cho con chó ấy. Khi bán con Vàng, “lão khóc như con nít”, “mắt ầng ậng nước”…. Không chỉ vậy, lão thậm chí còn chấp nhận cái chết để giữ đất cho con. Cái đói rượt lão gần đến đường cùng. Vẫn còn một lối nhỏ khác là bán mảnh vườn để lấy tiền ăn nhưng lão nghĩ rằng: đó là mảnh vườn của mẹ cháu để lại cho cháu… Và lão chọn cái chết chứ nhất quyết không bán đất của con. Con trai lão Hạc vì phẫn chí mà đi cao su nhưng trước khi đi vẫn để lại cho cha ba đồng bạc. Cả ông giáo, dẫu gia đình vẫn bữa đói bữa no nhưng luôn cố gắng giúp đỡ, cưu mang người hàng xóm bất hạnh…

Sống trong cái đói, cái nghèo nhưng không bị sự bần hàn làm cho quay quắt, hèn mọn, điều đáng quý nhất ở người nông dân Việt Nam trước Cách mạng là lòng tự trọng sáng ngời trong nhân phẩm. Lão Hạc thà nhịn đói chứ không chịu ăn không dù chỉ là củ khoai củ sắn của hàng xóm. Lão đã có thể bán vườn lấy tiền chống chọi với cái đói nhưng lão không làm vậy vì nhất quyết không ăn vào của con. Lão cũng có thể chọn con đường như Binh Tư đi đánh bả chó lấy cái ăn. Và lão không hề làm vậy. Con người ấy, đến lúc chết vẫn còn lo mình làm phiền hàng xóm nên dành dụm gửi gắm ông giáo tiền làm ma. Cảm động hơn cả là nỗi lòng quặn thắt của lão sau cái chết của con Vàng. Lão dằn vặt bởi nghĩ mình “đã đi lừa một con chó”. Lão Hạc ơi! Ẩn bên trong cái hình hài gầy gò, già nua của lão là một tâm hồn cao thượng và đáng trân trọng biết bao nhiêu!

Đồng cảm với số phận của người lao động, đặc biệt là người nông dân Việt Nam trước Cách mạng, đồng thời ngợi ca những phẩm chất cao quý của họ là những biểu hiện quan trọng của giá trị nhân đạo trong truyện ngắn “Lão Hạc” của Nam Cao. Viết về người nông dân Việt Nam trước Cách mạng, giọng văn Nam Cao lạnh lùng, bàng quan nhưng ẩn sâu trong đó là một tình thương sâu sắc và mãnh liệt.

* Giá trị nhân đạo trong tác “ Trong lòng mẹ”, “ Tức nước vỡ bờ”,

  1. Giá trị nhân đạo thể hiện ở tấm lòng đồng cảm với những con người bất hạnh, từ đó lên tiếng tố cáo gay gắt những bất công, những thế lực thống trị, áp bức trong xã hội.
  2. Đồng cảm với những người nông dân.
  • Đồng cảm với những người nông dân bị áp bức bóc lột bởi chính sách thuế khoá nặng nề.

“ Tắt đèn” xoáy sâu vào nạn thuế thân- một thứ thuế vô nhân đạo của chế độ thực dân phong kiến:

+  Làng Đông Xá ngột ngạt, căng thẳng trong hhững ngày sưu thuế.

+ Gia đình chị Dậu điêu đứng vì thuế, phải nộp cả thuế cho đứa em đã chêt.

Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” thể hiện rõ nỗi khổ của người nông dân trong vụ sưu thuế. Làng Đông Xá là hình ảnh thu nhỏ của nông thôn Việt Nam. Đoạn trích “ Tức nước vỡ bờ” nói riêng, “Tắt đèn” nói chung đã lên tiếng tố cáo gay gắt chính sách thuế má vô nhân đạo, sự đối xử tàn nhẫn của chế độ Thực dân phong kiến đối với người nông dân.

  • Đồng cảm với người nông dân cơ cực, nghèo đói, lay lắt trong kiếp sống mòn, phải tìm đến đến cái chết để tự giải thoát.
  • Đồng cảm với những người dân bị bóc lột bởi những thủ đoạn trắng trợn của bọn quan lại thống trị.

+  Chị Dậu bị vợ chồng Nghị Quế ăn bớt tiền bán con.

+ Con mẹ Nuôi bị tên quan phủ ăn chặn đồng hào đôi.

Người dân luôn bị những “ bóng ma” rình rập xung quanh để bóc lột, bóp nặn…

  • Đồng cảm với người nông dân bị đẩy đến bước đường cùng, bị lưu manh hoá, mất nhân cách.

+  Binh Tư sống bằng nghề ăn trộm…

+ Các nhân vật trong truyện của Nam Cao : bà lão chết no, anh cu Lộ, Chí Phèo…

Tất cả họ đã hợp thành một thế giới những người nông dân nghèo khổ bất hạnh được các nhà văn hiện thực xây dựng với lòng đồng cảm sâu sắc.

  1. Đồng cảm với những người phụ nữ:

Ngô Tất Tố đã viết về người phụ nữ với tấm lòng thương cảm thiết tha…Chị Dậu là nhân vật tiêu biểu cho những người phụ nữ bất hạnh trong xã hội cũ.

  1. Đồng cảm với những số phận trẻ em:
  • Chú bé Hồng mồ côi cha, thiếu vắng tình mẹ, sống trong sự ghẻ lạnh của họ hàng…
  • Cái Tí phải lìa xa bố mẹ, các em đem thân đi làm con ở…
  1. Đồng cảm với những người trí thức nghèo.
  • Những nhân vật Điền, Hộ, Thứ, Du, “ hắn” “ tôi”… trong tuyện của Nam Cao vốn có khát vọng sống đẹp , nhưng vì phải lo miếng cơm manh áo nên hoài bão tiêu tan…

– Ông giáo ( Lão Hạc) phải bỏ về quê sống bám vợ, phải bán dần những quyển sách để trang trải cuộc sống…

Với tấm lòng đồng cảm sâu sắc, các nhà văn đã dựng lên bao cảnh đời, bao số phận đau thương của nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội cũ. Họ thấu hiểu những nỗi đau tận cùng, nhận thấy những kết cục bi thảm mà xã hội dành cho những con người khốn khổ. Các tác phẩm văn học hiện thực phê phán là những lời tố khổ muôn đời cho những người

  1. Giá trị nhân đạo thể hiện ở thái độ ngợi ca, trân trọng những vẻ đẹp ngời sáng của con người trong một thời đau thương của lịch sử dân tộc.

a/ Vẻ đẹp của sự lương thiện, nhân hậu giàu lòng tự trọng.

  • Lão Hạc là một chân dung ngời sáng của người nông dân lương thiện, nhân hậu và tự trọng…

b/ Vẻ đẹp của lòng yêu thương và đức hi sinh:

– Lão Hạc yêu thương con tha thiết, cả đời lão sống vì con và chết vì con…

– Người mẹ và bé Hồng ( Trong lòng mẹ) có tình mẫu tử thiêng liêng sâu sắc.

– Ngoài ra còn tình làng nghĩa xóm đẹp đẽ đáng trân trọng: ông giáo đối với lão Hạc, bà láng giềng với gia đình chị Dậu…

c/ Vẻ đẹp của sức sống tiềm tàng mạnh mẽ:

  • Chị Dậu là điển hình của con người bị áp bức đã vùng dậy đấu tranh quyết liệt…

Các nhà văn đã “cố tìm mà hiểu” những con người “ ở xung quanh ta” , nâng niu trân trọng vẻ đẹp tâm hồn của những người nghèo khổ. Chị Dậu đẹp từ hình thức tới phẩm giá, lão Hạc lương thiện, giàu lòng tự trọng, yêu con tha thiết, Chí Phèo quỷ dữ nhưng vẫ tiềm ẩn bên trong là khát vọng sống lương thiện, chú bé Hồng thương yêu mẹ đến mãnh liệt…Đó là những nhân vật mang vẻ đẹp bản chất của con người Việt Nam từ ngàn đời.

– Các nhà văn hiện thực đã hướng ngòi bút về phía “ những tiếng kêu đau khổ thoát ra từ những kiếp lầm than”, tấu lên bản nhạc buồn về cuộc đời của bao người bị áp bức, đồng thời khẳng định những vẻ đẹp phẩm chất không gì có thể làm mất đi ở chính những con người đau khổ ấy. Đó chính là chiều sâu nhân đạo của các tác phẩm văn chương chân chính.

– Các tác phẩm văn học hiện thực phê phán 1930 -1945 có giá trị nhân đạo lớn lao, góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền văn học dân tộc.