TUYỂN TẬP 15 ĐỀ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2019

Lượt xem:

Đọc bài viết

TUYỂN TẬP 15 ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN VĂN

NĂM HỌC 2018 – 2019

 ĐỀ 1:

PHẦN I.  ĐỌC – HIỂU: (3,0 điểm)

   Anh / chị hãy đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

Điều gì là quan trọng?

Chuyện xảy ra tại một trường trung học.

Thầy giáo giơ cao một tờ giấy trắng, trên đó có một vệt đen dài và đặt câu hỏi với học sinh:

– Các em có thấy gì không?

Cả phòng học vang lên câu trả lời:

– Đó là một vệt đen.

Thầy giáo nhận xét:

– Các em trả lời không sai. Nhưng không ai nhận ra đây là một tờ giấy trắng ư?

Và thầy kết luận:

– Có người thường chú tâm đến những lỗi lầm nhỏ nhặt của người khác mà quên đi những phẩm chất tốt đẹp của họ. Khi phải đánh giá một sự việc hay một con người, thầy mong các em đừng quá chú trọng vào vết đen mà hãy nhìn ra tờ giấy trắng với nhiều mảng sạch mà ta có thể viết lên đó những điều có ích cho đời.

( Trích Quà tặng cuộc sống – Dẫn theo http://gacsach.com)

Câu 1: Hãy xác định các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản trên.

Câu 2: Xác định nội dung chính của văn bản trên? Dựa vào nội dung đó, hãy đặt cho văn bản một nhan đề khác.

Câu 3: Trong lời khuyên của thầy giáo: “thầy mong các em đừng quá chú trọng vào vết đen mà hãy nhìn ra tờ giấy trắng với nhiều mảng sạch mà ta có thể viết lên đó những điều có ích cho đời”,  từ  vết đen ẩn dụ cho điều gì?

Câu 4: Theo anh/chị, việc chỉ “chú tâm đến những lỗi lầm nhỏ nhặt của người khác mà quên đi những phẩm chất tốt đẹp của họ” thể hiện cách đánh giá con người như thế nào?

PHẦN II: LÀM VĂN (7,0)

Câu 1 (2,0 điểm):

Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về lời khuyên của thầy giáo trong văn bản ở phần Đọc hiểu: “Khi phải đánh giá một sự việc hay một con người, thầy mong các em đừng quá chú trọng vào vết đen mà hãy nhìn ra tờ giấy trắng với nhiều mảng sạch mà ta có thể viết lên đó những điều có ích cho đời”.

Câu 2 (5 điểm):

           Cảm nhận của anh / chị về hình tượng nhân vật Mị trong cảnh mùa xuân ở Hồng Ngài (“Vợ chồng A Phủ” – Tô Hoài). Từ đó liên hệ với nhân vật Chí Phèo trong cảnh buổi sáng đầu tiên khi tỉnh rượu (“Chí Phèo” – Nam Cao), để nhận xét về cách khám phá vẻ đẹp tâm hồn con người lao động của hai nhà văn. 

 


 

ĐỀ 2:

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

Chẳng ai muốn làm hành khất

Tội trời đày ở nhân gian

Con không được cười giễu họ

Dù họ hôi hám úa tàn

Nhà mình sát đường, họ đến

Có cho thì có là bao

Con không bao giờ được hỏi

Quê hương họ ở nơi nào.

(…)

Mình tạm gọi là no ấm

Ai biết cơ trời vần xoay

Lòng tốt gửi vào thiên hạ

Biết đâu nuôi bố sau này.

(Trần Nhuận Minh, Dặn con, Nhà thơ và hoa cỏ, NXB Văn học, 1993).

Câu 1.  Nội dung chính của đoạn trích trên là gì?

Câu 2.  Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 3.  Hãy tìm trong vốn từ tiếng Việt từ đồng nghĩa với từ hành khất. Theo anh/chị, vì sao tác giả dùng từ hành khất thay vì các từ đồng nghĩa khác?

Câu 4.  Anh/chị có suy nghĩ gì về lời dặn con của người bố trong đoạn trích? (Trình bày khoảng 7 đến 8 dòng).

PHẦN II . LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Liberty Hyde Bailey (1858-1954)  cho rằng:  Điều quan trọng không phải chúng ta sống được bao lâu mà chúng ta phải sống như thế nào. Hãy viết một đoạn văn nghị luận ngắn ( khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ  của anh / chị về quan điểm sống trên.

Câu 2. (5,0 điểm)

Phân tích nhân vật người “vợ nhặt” (truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân, SGK Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục). Từ đó liên hệ với nhân vật Thị Nở ( truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao,  SGK Ngữ văn 11, tập một, NXB Giáo dục) để thấy được chiều sâu tư tưởng nhân đạo của mỗi nhà văn.


ĐỀ 3

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Sáu con người, do sự tình cờ của số phận, mắc kẹt vào cùng một cái hang rất tối và lạnh. Mỗi người chỉ còn một que củi nhỏ trong khi đống lửa chính đang lụi dần.

Người phụ nữ đầu tiên định quẳng que củi vào lửa, nhưng đột nhiên rụt tay lại. Bà vừa nhìn thấy một khuôn mặt da đen trong nhóm người da trắng. Người thứ hai lướt qua các bộ mặt quanh đống lửa, thấy một người trong số đó không đi chung nhà thờ với ông ta. Vậy là thanh củi cũng bị thu về. Người thứ ba trầm ngâm trong một bộ quần áo nhàu nát. Ông ta kéo áo lên tận cổ, nhìn người đối diện, nghĩ thầm:“Tạo sao mình lại phải hi sinh thanh củi để sưởi ấm cho con heo béo ị giàu có kia?”. Người đàn ông giàu lui lại một chút, nhẩm tính: “Thanh củi trong tay, phải khó nhọc lắm mới kiếm được, tại sao ta phải chia sẻ nó với tên khố rách áo ôm lười biếng đó?”. Ánh lửa bùng lên một lần cuối, soi rõ khuôn mặt người da đen đang đanh lại, lộ ra những nét hằn thù: “Không, ta  không cho phép mình dùng thanh củi này sưởi ấm những gã da trắng!”.

Chỉ còn lại người cuối cùng trong nhóm. Nhìn những người khác trầm ngâm trong im lặng, anh ta tự nhủ: “Mình sẽ cho thanh củi, nếu có ai đó ném phần của họ vào đống lửa trước.”

Cứ thế, đêm xuống dần. Sáu con người nhìn nhau căng thẳng, tay nắm chặt những que củi. Đống lửa chỉ còn than đỏ rồi lụi tắt. Sáng hôm sau, khi những người cứu hộ tới nơi, cả sáu đều đã chết cóng…

(Theo Quà tặng cuộc sống) 

Câu 1. Kể tên các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản trên.

Câu 2. Người viết văn bản trên đã đặt các nhân vật vào một tình huống như thế nào? Ý nghĩa của cách tạo dựng tình huống đó.

Câu 3. Theo anh/chị, trong văn bản trên, có những nguyên nhân nào khiến cả sáu người chết cóng?

Câu 4. Hãy đặt tiêu đề cho văn bản.

PHẦN II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm):

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về cách nghĩ và hành động của sáu con người trong câu chuyện trên.

Câu 2 (5,0 điểm):

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hao đong đưa.

(  Trích Tây Tiến – Quang Dũng, Ngữ văn 12, NXB GD – 2017)

Cảm nhận vẻ đẹp đoạn thơ trên trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Từ đó liên hệ với đoạn thơ sau để nhận xét cái nhìn về thiên nhiên của mỗi nhà thơ:

Gió theo lối gió mây đường mây

Dòng nước buồn thi hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

(  Trích Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mặc Tử, Ngữ văn 11, NXB GD – 2017)


ĐỀ 4

PHẦN I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm) 

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Lãng phí thời gian là mất tuyệt đối. Mất tiền có thể kiếm lại được tiền, mất xe có thể sắm lại được xe nhưng mất thời gian thì chịu, đố ai có thể tìm lại được. Lãng phí thời gian là mất tuyệt đối. Thời gian là một dòng chảy thẳng; không bao giờ dừng lại và cũng không bao giờ quay lui. Mọi cơ hội, nếu bỏ qua là mất. Tuổi trẻ mà không làm được gì cho đời cho bản thân thì nó vẫn xồng xộc đến với tuổi già. Thời gian là một dòng chảy đều đặn, lạnh lùng, chẳng bao giờ chờ đợi sự chậm trễ. Hãy quý trọng thời gian, nhất là trong thời đại trí tuệ này; nền kinh tế trí thức đã và đang làm cho thời gian trở nên vô giá. Chưa đầy một giờ, công nghệ Nhật Bản đã có thể sản xuất một tấn thép, con tàu tốc hành của các nước phát triển, trong vài giờ, đã có thể vượt qua được vài ngàn kilômét. Mọi biểu hiện đủng đỉnh rềnh ràng đều trở nên lạc lõng trong xu thế toàn cầu hiện nay. Giải trí là cần thiết nhưng chơi bời quá mức, để thời gian trôi qua vô vị là có tội với đời, với tương lai đất nước. 

(Phong cách sống của người đời – Nhà báo Trường Giang. www.chungta.com)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2. Theo tác giả, vì sao lãng phí thời gian là mất tuyệt đối?

Câu 3. Anh/ Chị hiểu như thế nào về ý kiến: Mọi biểu hiện đủng đỉnh rềnh ràng đều trở nên lạc lõng trong xu thế toàn cầu hiện nay?

Câu 4. Anh/ Chị có đồng tình với quan niệm: Giải trí là cần thiết nhưng chơi bời quá mức, để thời gian trôi qua vô vị là có tội với đời, với tương lai đất nước? Vì sao?

PHẦN II. LÀM VĂN (7,0 điểm) 

Câu 1: (2.0đ) Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý kiến: Tuổi trẻ cần sống có bản lĩnh để dám đương đầu với mọi khó khăn thử thách. 

Câu 2: (5.0đ)

“… Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa

 

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ”.

(Sóng – Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, trang 156)

Cảm nhận của Anh/Chị về hai khổ thơ trên. Từ đó, liên hệ với bài thơ Từ ấy (Tố Hữu, Ngữ văn 11, Tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, trang 43) để thấy sự gặp gỡ và khác biệt trong khát vọng hi sinh dâng hiến của con người.


ĐỀ 5

PHẦN I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Ta đã đi qua những năm tháng không ngờ

Vô tư quá để bây giờ xao xuyến

Bèo lục bình mênh mang màu mực tím

Nét chữ thiếu thời trôi nhanh như dòng sông…

 

Ta lớn lên bối rối một sắc hồng

Phượng cứ nở hoài như đếm tuổi

Như chiều nay, một buổi chiều dữ dội

Ta nhận ra mình đang lớn khôn…

 

Biết ơn những cánh sẻ nâu đã bay đến cánh đồng

Rút những cọng rơm vàng về kết tổ

Đã dạy ta với cánh diều thơ nhỏ

Biết kéo về cả một sắc trời xanh

 

Biết ơn mẹ vẫn tính cho con thêm một tuổi sinh thành

“Tuổi của mụ” con nằm tròn bụng mẹ

Để con quý yêu tháng ngày tuổi trẻ

Buổi mở mắt chào đời, phút nhắm mắt ra đi…

(Trích Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm)

Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2: Tìm những hình ảnh đẹp đẽ của những năm tháng tuổi trẻ được tác giả nhắc đến trong đoạn trích.

Câu 3: Nêu hiệu quả của việc sử dụng phép điệp trong hai khổ thơ cuối của đoạn trích.

Câu 4: Anh/ Chị có đồng tình với quan điểm của tác giả trong những câu thơ sau hay không? Vì sao?

                            Biết ơn mẹ vẫn tính cho con thêm một tuổi sinh thành

                          “Tuổi của mụ” con nằm tròn bụng mẹ

                           Để con quý yêu tháng ngày tuổi trẻ

                          Buổi mở mắt chào đời, phút nhắm mắt ra đi…

PHẦN II.  LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1: (2,0 điểm):

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ của anh/ chị về ý nghĩa của lòng biết ơn trong cuộc sống.

Câu 2: (5,0 điểm):

Ta đi ta nhớ những ngày

Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi…

Thương nhau, chia củ sắn lùi

Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.

Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô.

Nhớ sao lớp học i tờ

Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan

Nhớ sao ngày tháng cơ quan

Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo

Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều

Chày đêm nện cối đều đều suối xa…

(Trích Việt Bắc, Tố Hữu, Ngữ văn 12,Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr 110)

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Liên hệ với đoạn thơ sau trong bài thơ Từ ấy, từ đó, nhận xét về sự vận động của cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu.

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lí chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim…

(Trích Từ ấy, Tố Hữu, Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr 44 )


ĐỀ 6

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) 

Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu: 

“… với những thằng con trai mười tám tuổi 

đất nước là nhịp tim có thể khác thường

là một làn mây mỏng đến bâng khuâng

là mùi mồ hôi thật thà của lính

đôi khi là một giọng nữ cao nghe từ Hà Nội

hay một bữa cơm rau rừng

chúng tôi không muốn chết vì hư danh

không thể chết vì tiền bạc 

chúng tôi lạ xa với những tin tưởng điên cuồng

những liều thân vô ích

đất nước đẹp mênh mang

đất nước thấm tự nhiên đến tận cùng máu thịt

chỉ riêng cho Người, chúng tôi dám chết…” 

(Thử nói về hạnh phúc – Thanh Thảo, Từ một đến một trăm, NXB Tác phẩm mới, 1984)

Câu 1 (0,5 điểm). Xác định thể thơ của văn bản trên.

Câu 2 (1,0 điểm). Chỉ ra và nêu tác dụng của 01 biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản.

Câu 3 (0,5 điểm). Anh/chị hiểu như thế nào về 3 dòng thơ cuối:

                                             đất nước đẹp mênh mang

                  đất nước thấm tự nhiên đến tận cùng máu thịt

                 chỉ riêng cho Người, chúng tôi dám chết

Câu 4 (1,0 điểm). Thông điệp mà anh/chị tâm đắc nhất qua văn bản. Nêu rõ lí do tại sao chọn thông điệp đó?

PHẦN II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm):

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ về vấn đề hư danh của một bộ phận giới trẻ ngày nay.

Câu 2 (5 điểm): Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng người lính trong bài thơ Tỏ lòng (Phạm Ngũ Lão) và Tây Tiến (Quang Dũng).


ĐỀ 7

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) 

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

    Muốn thành người tử tế phải biết xấu hổ. Đó là lời Giáo sư Ngô Bảo Châu, khi kể về một câu chuyện lúc ông học cấp hai. Thầy giáo phát hiện áo mưa của mình xếp trên bàn đã bị cuộn thành quả bóng dưới chân bạn Huy. Khi thầy truy hỏi, chỉ có bạn Huy nhận lỗi. Ông thầy thốt lên: “Tôi rất buồn, vì nhiều người khác không dám nhận lỗi”. Khi đó, Ngô Bảo Châu rất xấu hổ vì làm sai mà không dám nhận. Về sau, ông và vợ mình đều rút ra bài học: muốn thành người tử tế, phải biết xấu hổ.

    Tại sao con người cần biết xấu hổ khi làm điều sai, việc xấu, hay nói cách khác, khi phạm lỗi? Câu hỏi này rất quan trọng, vì cách xử sự của một người đối với sự xấu hổ sẽ biểu hiện nhân cách người đó…

     Trong quá trình đấu tranh giữa thiện – ác, xấu – tốt trong một con người, sự xấu hổ khi làm điều sai quấy có vai trò đặc biệt. Con người không là thần thánh, nên ai cũng từng lầm lỗi, lớn nhỏ, nặng nhẹ. Sự xấu hổ là cái mà xã hội văn minh gọi là “lương tâm cắn rứt”. Nếu người ta để cho sự xấu hổ chai lỳ đi thì sẽ dần cảm thấy bình thường khi làm điều xấu, ác, và sự tử tế trong người ấy sẽ dần dần biến mất.

     Muốn con người trở nên tử tế, hãy dạy cho người đó biết xấu hổ khi làm điều xấu, điều ác. Nhờ biết xấu hổ, người ta sẽ ngần ngại khi phạm lỗi. Nhưng ngay đối với những người đang làm điều sai quấy, cho dù chưa thể chấm dứt ngay hành vi sai trái, sự xấu hổ, cái lương tâm cắn rứt ấy sẽ là lực cản để người ta không dấn sâu hơn vào tội lỗi, và giúp người ta trở lại làm người tử tế vào một lúc nào đó, khi có một cơ hội nào đó.

(Trích Tử tế à, tử tế ơi, hãy quay lại với người Việt! Trương Trọng Nghĩa, Báo Người đô thị)

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2. Theo tác giả, sự xấu hổ có những vai trò gì đối với con người?

Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về câu nói sau: Nếu người ta để cho sự xấu hổ chai lỳ đi thì sẽ dần cảm thấy bình thường khi làm điều xấu, ác, và sự tử tế trong người ấy sẽ dần dần biến mất.

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với ý kiến: Muốn thành người tử tế phải biết xấu hổ?   Vì sao?

PHẦN II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của những việc tử tế trong cuộc sống.

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận vẻ đẹp hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ:

                                 Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

                                 Quân xanh màu lá dữ oai hùm

                                 Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

                                 Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

                                 Rải rác biên cương mồ viễn xứ

                                 Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

                                 Áo bào thay chiếu anh về đất

                                 Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

                                                                    (Tây Tiến  Quang Dũng)

Từ đó, liên hệ đến vẻ đẹp lí tưởng của người chiến sĩ cộng sản trong bài thơ Từ ấy củaTố Hữu.


ĐỀ 8

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) 

Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

      Tuổi trẻ không là khái niệm chỉ một giai đoạn trong đời người, mà chỉ một trạng thái tâm hồn. Tuổi trẻ không nhất thiết phải gắn liền với sức khỏe và vẻ tráng kiện bên ngoài, mà lại gắn với ý chí mạnh mẽ, trí tưởng tượng phong phú, sự mãnh liệt của tình cảm và cảm nhận phấn khởi với suối nguồn cuộc sống.

      Tuổi trẻ thể hiện ở lòng can đảm chứ không phải tính nhút nhát, ở sở thích phiêu lưu trải nghiệm hơn là ở sự tìm kiếm an nhàn. Những đức tính đó thường dễ thấy ở những người năm sáu mươi tuổi hơn là ở đa số thanh niên tuổi đôi mươi. Không ai già đi vì tuổi tác, chúng ta chỉ già đi khi để tâm hồn mình héo hon.

     Thời gian hình thành tuổi tác, thái độ tạo nên tâm hồn. Năm tháng in hằn những vết nhăn trên da thịt, còn sự thờ ơ với cuộc sống tạo những vết nhăn trong tâm hồn. Lo lắng, sợ hãi, mất lòng tin vào bản thân là những thói xấu hủy hoại tinh thần của chúng ta.

(Trích Điều kỳ diệu của thái độ sống  Mac Anderson, tr.68, NXB Tổng hợp Tp.Hồ Chí Minh, 2017)

Câu 1. Xác định thao tác lập luận chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Nêu quan niệm của tác giả về tuổi trẻ.

Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến: Thời gian hình thành tuổi tác, thái độ tạo nên tâm hồn?

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan niệm: Lo lắng, sợ hãi, mất lòng tin vào bản thân là những thói xấu hủy hoại tinh thần của chúng ta?

PHẦN II.  LÀM VĂN (7,0 điểm)  

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung phần Đọc – hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc chăm sóc “sức khỏe tinh thần” trong đời sống mỗi cá nhân.

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về chi tiết Mị cắt dây trói cứu A Phủ trong đêm mùa đông ở Hồng Ngài (trích Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập 2, tr.13, Nxb Giáo dục, 2016 ). Từ đó, liên hệ chi tiết thị Nở mang bát cháo hành cho Chí Phèo (trích Chí Phèo, Nam Cao, Ngữ văn 11, tập 1, tr.150, Nxb Giáo dục, 2016) để thấy được nét độc đáo trong cái nhìn, tình cảm của hai tác giả đối với người phụ nữ.


ĐỀ 9

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Một lần, trên đường đi làm tôi ghé vào một cửa hàng nhỏ để mua tờ báo và mấy thanh kẹo cao su. Cô gái trẻ ở quầy thu ngân đưa cho tôi hoá đơn với số tiền phải trả là năm đô-la. Trong khi mở ví lấy tiền, tôi nhẩm tính một tờ báo và mấy thanh kẹo không thể đến năm đô-la được nên có ý muốn hỏi lại. Nhưng tôi chưa kịp hỏi thì cô đã nở một nụ cười thật tươi và dí dỏm:

     – Cháu tính thêm tiền công vì đã làm cho bác vui đấy!

      Tôi bật cười khi biết mình bị “lừa”. Cô gái nhìn qua tờ báo tôi vừa mới mua và nói:

     – Cháu thật không hiểu sao người ta chỉ đưa những tin không hay lên trang đầu. Cháu thích đọc những tin tốt lành hơn.

      Rồi cô nói tiếp:

     – Cháu nghĩ chắc phải có thêm một tờ báo đăng toàn những câu chuyện viết về những người tốt và những việc hay lẽ phải để khơi dậy niềm tin và mang điều tốt lành đến cho mọi người. Nếu có tờ báo ấy, cháu sẽ mua hàng ngày.

      Cô gái cảm ơn tôi và nói với vẻ đầy lạc quan:

      – Hy vọng là ngày mai sẽ có tin tức gì đó tốt lành, bác nhỉ! Và cô lại cười. Cả ngày hôm ấy tôi cảm thấy phấn chấn và trong lòng tràn ngập niềm vui.

      Ngày hôm sau, tôi ghé lại cửa hàng sau khi vừa giải quyết xong công việc với khách hàng. Nhưng lần này tiếp tôi ở quầy thu ngân là một cô gái khác. Lúc thanh toán tiền cho mấy thứ vừa mua, tôi chào cô nhưng cô chẳng buồn đáp lại, không một nụ cười, cũng không một lời nói. Gương mặt không có vẻ gì là thân thiện và vui vẻ, cô ta chỉ thối lại tôi mấy đồng tiền thừa, rồi uể oải nói: “mời người tiếp theo!”.

      Hai cô gái, cùng một độ tuổi, cùng làm một công việc như nhau, nhưng lại gây cho tôi những ấn tượng hoàn toàn khác biệt. Một người mang đến cho tôi niềm vui, sự gần gũi, còn một người lại khiến tôi có cảm giác như thể sự xuất hiện của mình chỉ làm cho cô ấy khó chịu.

(Trích Điều kì diệu của thái độ sống, Tác giả: Mac Anderson, Dịch giả: Hiếu Dân, Thế Lâm, Văn Khanh, NXB Tổng hợp TPHCM, 2016, tr 07)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp nghệ thuật trong câu: “Hai cô gái, cùng một độ tuổi, cùng làm một công việc như nhau, nhưng lại gây cho tôi những ấn tượng hoàn toàn khác biệt. Một người mang đến cho tôi niềm vui, sự gần gũi, còn một người lại khiến tôi có cảm giác như thể sự xuất hiện của mình chỉ làm cho cô ấy khó chịu”.

Câu 3. Tại sao nhân vật “tôi cảm thấy phấn chấn và trong lòng tràn ngập niềm vui”?

Câu 4. Anh/ Chị có đồng tình với câu trả lời: “Cháu thích đọc những tin tốt lành hơn”của cô gái thứ nhất trong văn bản không? Vì sao?

PHẦN II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm): 

Từ văn bản phần đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa câu nói: “Thái độ tích cực chính là bí quyết nhỏ để làm nên sự khác biệt lớn.”(Mac Anderson)

Câu 2 (5 điểm) :

Cảm nhận của anh chị về vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật người đàn bà trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu. Từ đó liên hệ với nhân vật Thị Nở trong tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao để thấy được sự thống nhất và khác biệt về hình ảnh người phụ nữ Viêt Nam qua văn học.


ĐỀ 10

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu phía dưới:

Vụ việc Nhật Bản đang truy tìm người viết tiếng Việt lên di tích quốc gia nước này không gây ngạc nhiên với những người đã sống ở nước ngoài, bởi họ từng chứng kiến hoặc có những hành động phản cảm.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp – thạc sĩ ngành quan hệ quốc tế tại Nhật – cho biết, ý thức bảo vệ công trình công cộng của Nhật rất cao. Tình trạng dùng sơn vẽ bậy lên tàu, lên tường hay cào bẩn tại điểm công cộng ở Nhật vô cùng hiếm. Đa số người nước ngoài đến Nhật cũng có tinh thần này. Tuy nhiên, chị đã tận mắt thấy không dưới 10 lần người ta vẽ, viết bằng tiếng Việt lên di tích. Sống tại Nhật 4 năm, chị Diệp biết tới nhiều hành vi thiếu văn minh của đồng hương ở xứ này, đặc biệt là tình trạng ăn cắp đồ trong siêu thị như quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng rồi mang đi bán. Tờ Kyodo của Nhật hồi tháng 4 dẫn số liệu của cảnh sát Nhật Bản, cho biết “trộm cắp trong các siêu thị và cửa hàng là hành vi phạm pháp phổ biến nhất của người Việt, với hơn 2.000 vụ được ghi nhận năm ngoái”. (…) Biển báo bằng tiếng Việt cấm ăn cắp ngày một nhiều. Người Việt đi làm tại đây hay bị người ta dò xét, soi mói.

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, viện trưởng viện nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng cho rằng, chuyện người Việt có các hành vi gây phản cảm khi ra nước ngoài khá phổ biến, nó thể hiện thói quen tùy tiện bắt nguồn từ nếp sống tiểu nông vẫn tồn tại tới ngày nay, nhiều người chưa kịp hoặc không chịu thay đổi khi có điều kiện ra nước ngoài văn minh, (…) nhiều người không chú ý tới cách ứng xử khi ở nơi công cộng.

(Trích Nhiều người Việt ra nước ngoài bị ghét vì hành xử phản cảm –

TheoVnexpress, ngày 6/11/2018)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2. Trong đoạn trích, những hành vi nào của người Việt ở nước ngoài bị xem là thiếu văn minh?

Câu 3. Đoạn trích trên đề cập đến vấn đề gì?

Câu 4. Anh/Chị nghĩ gì khi ở Nhật Bản “Biển báo bằng tiếng Việt cấm ăn cắp ngày một nhiều. Người Việt đi làm tại đây hay bị người ta dò xét, soi mói”?

PHẦN II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về văn hóa ứng xử nơi công cộng của giới trẻ hiện nay.

Câu 2 (5.0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:

Ta về, mình có nhớ ta

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

(Trích Việt Bắc, Tố Hữu, Ngữ văn 12, Tập một, tr.111 – NXB Giáo dục, 2017)

Từ đó, liên hệ với đoạn thơ sau để thấy được tình yêu quê hương đất nước của hai nhà thơ:

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,

Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa.

Lòng quê dợn dợn vời con nước,

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

(Trích Tràng giang, Huy Cận, Ngữ văn 11, Tập hai, tr.29 – NXB Giáo dục,2017)


ĐỀ 11

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích thực hiện các yêu cầu sau: 

Loài người không được cho sẵn bất cứ cái gì trên mặt đất này. Tất cả những gì anh ta cần – anh ta phải làm ra chúng. Và ở đây loài người đối mặt với sự lựa chọn cơ bản nhất của mình: anh ta chỉ có thể tồn tại được theo một trong hai cách – bằng cách làm việc độc lập với bộ óc của riêng anh ta, hay là trở thành một kẻ ăn bám sống nhờ bộ óc của những người khác. Người sáng tạo chọn cách thứ nhất. Kẻ ăn bám thì chọn cách thứ hai. Người sáng tạo một mình đối mặt với tự nhiên. Kẻ ăn bám đối mặt với tự nhiên thông qua những trung gian. 

Mối quan tâm của người sáng tạo là chinh phục tự nhiên. Còn mối quan tâm của kẻ ăn bám là chinh phục con người. 

Người sáng tạo sống với lao động của mình. Anh ta không cần ai khác. Mục đích cơ bản của anh ta là chính bản thân anh ta. Kẻ ăn bám sống cuộc đời thứ cấp. Anh ta cần những người khác. Những người khác trở thành động lực chính của anh ta. 

(Trích tiểu thuyết Suối nguồn, Ayn Rand, NXB Trẻ, TP HCM, 2017, tr.1174)

Câu 1. Xác định thao tác lập luận chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Trong đoạn trích, tác giả đã nhắc đến những đặc điểm nào của người sáng tạo?

Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp điệp được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với ý kiến: Mối quan tâm của người sáng tạo là chinh phục tự nhiên. Còn mối quan tâm của kẻ ăn bám là chinh phục con người? Vì sao?

PHẦN I. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm) 

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về hậu quả của lối sống ăn bám.

Câu 2 (5,0 điểm) 

Cuộc đời tuy dài thế 

Năm tháng vẫn đi qua 

Như biển kia dẫu rộng 

Mây vẫn bay về xa 

Làm sao được tan ra 

Thành trăm con sóng nhỏ 

Giữa biển lớn tình yêu 

Để ngàn năm còn vỗ 

(Trích Sóng, Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr 156)

Cảm nhận của anh/chị về tâm trạng của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ trên. Từ đó, anh/chị liên hệ với tâm trạng của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ sau để nhận xét quan niệm về thời gian của hai tác giả.

Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua, 

Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già, 

Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất. 

Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật, 

Không cho dài thời trẻ của nhân gian, 

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn, 

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại! 

Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi, 

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời; 

Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi, 

Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt… 

Con gió xinh thì thào trong lá biếc, 

Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi? 

Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi, 

Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa? 

Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa… 

Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm, 

(Trích Vội vàng, Xuân Diệu, Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2007, tr 21-22)

 


 

ĐỀ 12

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Tôi hỏi đất: – Đất sống với nhau như thế nào?

– Chúng tôi tôn cao nhau.

Tôi hỏi nước: – Nước sống với nhau như thế nào?

– Chúng tôi làm đầy nhau.

Tôi hỏi cỏ: – Cỏ sống với nhau như thế nào?

– Chúng tôi đan vào nhau làm nên những chân trời.

Tôi hỏi người: – Người sống với nhau như thế nào?

Tôi hỏi người: – Người sống với nhau như thế nào?

Tôi hỏi người: – Người sống với nhau như thế nào?

(Hỏi – Hữu Thỉnh)

Câu 1. Chỉ ra những phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản trên.

Câu 2. Xác định nội dung chính của văn bản trên. Dựa vào nội dung đó, hãy đặt cho văn bản một nhan đề khác.

Câu 3. Nêu và giải thích lối sống của: đất, nước, cỏ trong văn bản.

Câu 4. Xác định những biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong ba câu cuối của văn bản và phân tích hiệu quả nghệ thuật của những biện pháp nghệ thuật ấy.

PHẦN II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) tìm lời giải đáp cho câu hỏi của tác giả: Người sống với nhau như thế nào?

Câu 2 (5.0 điểm)

Lịch sử dân tộc Việt Nam với truyền thống hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước cũng là những trang sử hào hùng gắn liền với những bản Tuyên ngôn độc lập.

Anh/ chị hãy so sánh “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh và “Bình ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi để tìm ra những điểm giống và khác nhau trong hai bản tuyên ngôn này.
————————————————————————————————————————————–

ĐỀ 13

ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) 

 Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót một lần trong đời, nhưng nó hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm ra bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi khi lắng nghe, và chính Thượng Đế trên Thiên Đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại nhất.

(Trích Tiếng chim hót trong bụi mận gai-Collen M. Cullough)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích.

Câu 2: Những hình ảnh “chiếc gai nhọn” và “bài ca duy nhất, có một không hai” trong đoạn trích ẩn dụ cho những điều gì trong cuộc sống của mỗi chúng ta?

Câu 3: Nêu nội dung đoạn trích.

Câu 4: Anh/chị hãy rút ra 01 bài học sâu sắc cho bản thân từ đoạn trích trên.

PHẦN II:  LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm): Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong câu sau: Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại nhất”.

Câu 2 (5.0 điểm): 

Trong bóng tối, Mị đứng im, như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn. Mị vẫn nghe thấy tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi. “Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào…”. Mịvùng bước đi. Nhưng chân đau không cựa được. Mị không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa. 

Chó sủa xa xa. Chừng đã khuya. Lúc này, lúc trai đang đến gõ vách làm hiệu, rủ người yêu dỡ vách ra rừng chơi. Mị nín khóc, Mị lại bồi hồi. Cả đêm Mị phải trói đứng như thế. Lúc thì khắp người bị dây trói thít lại, đau nhức. Lúc lại tràn trề tha thiết nhớ. Hơi rượu tỏa. Tiếng sáo. Tiếng chó sủa xa xa. Mị lúc mê, lúc tỉnh. Cho tới khi trời tang tảng rồi không biết sáng từ bao giờ. Mị bàng hoàng tỉnh. Buổi sáng âm âm trong cái nhà gỗ rộng. Vách bên cũng im ắng. Không nghe tiếng lửa réo trong lò nấu lợn. Không một tiếng động. Không biết bên buồng quanh đấy, các chị vợ anh, vợ chú của A Sử có còn ở nhà, không biết tất cả những người đàn bà khốn khổ sa vào nhà quan đã được đi chơi hay cũng đang phải trói như Mị. Mị không thể biết. Đời người đàn bà lấy chồng nhà giàu ở Hồng Ngài, một đời người chỉ biết đi theo đuôi con ngựa của chồng. Mị chợt nhớ lại câu chuyện người ta vẫn kể: đời trước, ở nhà thống lý Pá Tra có người trói vợ trong nhà ba ngày rồi đi chơi, khi về nhìn đến, vợ chết rồi. Mị sợ quá, Mị cựa quậy. Xem mình còn sống hay chết. Cổ tay, đầu, bắp chân bị dây trói xiết lại, đau dứt từng mảnh thịt. 

                                                                            Trích Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài)

Cảm nhận sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong đoạn văn trên. Từ đó, liên hệ nhận vật Liên trong cảnh chờ chuyến tàu đêm ( Truyện Hai đứa trẻ, Thạch Lam, Ngữ văn 11) để bình luận về vẻ đẹp khát vọng sống của con người. 


ĐỀ 14

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

  • Quốc gia nào cũng có những điểm mạnh điểm yếu riêng. Việt Nam là một nước nhỏ, thấp và vị trí không thuận lợi. Ta không phải là dân tộc có nền văn minh kì vĩ, giàu có hay lâu đời như Hi Lạp, La Mã, Ai Cập, Nhật Bản, Nga, Pháp,… Thậm chí một tôn giáo riêng, chữ viết riêng chúng ta còn phải vay mượn. Xét về hiện đại thì chúng ta càng không phải là một quốc gia hùng mạnh về kinh tế, công nghệ. Nếu xét về tính cạnh tranh thì Việt Nam còn yếu tố bất lợi thứ ba, đó là đứng cạnh một quốc gia quá lớn mạnh so với ta về nhiều mặt. Điều này tương tự như một con thuyền nhỏ sẽ rất khó lèo lái khi đi cạnh một hạm thuyền lớn.
  • Tuy nhiên, các yếu tố trên không hoàn toàn chỉ là bất lợi. Trên đường có nhiều xe chạy. Nếu khi tắc nghẽn, xe nhỏ có thể luồn lách, băng lên trước. Nếu va quệt, tai nạn thì đỡ thiệt hại hơn, dễ khắc phụchơn.
  • Hội nhập WTO là một cơ hội tốt để được cộng hưởng, hội tụ từ lực bên trong tới thế giới bên ngoài. Ở bên trong, kinh tế luôn tăng trưởng khá ngoạn mục. Việt Nam đã chứng tỏ mình là một quốc gia thật sự an toàn, hòa bình và thân thiện, cởi mở. Thế cờ quốc tế cũng đang có nhiều điểm lợi cho ta. Con thuyền Việt Nam đã nhập vào dòng chảy phát triển thì cho dù ta chưa đẩy mạnh được thuyền thì cũng đã được dòng nước đưa đi. Ta chỉ cần  không ngược mái chèo, không lạc hướng, đừng phạm luật để bị loại ra và hãy cố chạy cho nhanh màthôi.
  • Vấn đề là bây giờ Việt Nam cần làm gì để tận dụng thế cờ. Với bên ngoài, ta phải tránh căn bệnh kiêu ngạo mà hãy luôn khiêm tốn. Ngược lại, ta cũng không thể tự ti. Kiêu ngạo và tự ti đều đã từng làm nên những ổ khóa, xích xiềng giam giữ và trói buộc chúng ta sau cánh cửa lạc hậu và ngột ngạt. Cũng đừng nên cảnh giác một cách cực đoan. Hãy mở rộng cửa cho tất cả những người Việt nào có thể đem lại lợi ích cho dân tộc. Hãy khơi dậy, phát huy, vun trồng những giá trị, tài năng và sức mạnh dân tộc, như Bác Hồ đã từng thu hút xung quanh mình những Nguyễn Văn Tố, Huỳnh ThúcKháng…

(Theo Bài tập Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục, 2008, tr.54-55)

Câu 1. Trong đoạn (1), người viết đã chỉ ra những điểm bất lợi nào của Việt Nam so với các nước khác trên thế giới?

Câu 2. Trong đoạn (3), biện pháp tu từ nào được sử dụng để sáng tạo hình ảnh con thuyền Việt Nam?

Câu 3. Anh/Chị hiểu thế nào là kiêu ngạo tự ti?

Câu 4. Thông điệp anh chị thấy tâm đắc nhất từ đoạn trích? ( Trả lời bằng 5- 7 dòng)

PHẦN II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1: (2.0 điểm): Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vai trò, trách nhiệm của mình để góp phần dựng xây đất nước?

Câu 2: (5,0 điểm)

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

(Trích Tây Tiến, Quang Dũng, Ngữ văn 12 – Nâng cao, Tập một NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, tr.69 – 70)

Cảm nhận của anh/ chị về vẻ đẹp hình tượng người lính thông qua đoạn trích thơ trên.

Từ đó, liên hệ với bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão (Ngữ văn 10, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017) để bình luận về ý nghĩa của lí tưởng sống đối với con người.


ĐỀ 15

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Cụ khẽ nâng vuông vải tây điều phủ trên khay trà gỗ trắc có chân quì. Nhẹ nhàng, khoan thai, cụ Ấm nhắc cả đĩa dầm, chén tống, chén quân ra khỏi lòng khay. Đến lúc dờ tới cái ấm con chuyên trà thì cụ kềnh càng hơn. Cụ ngắm nghía mãi chiếc ấm màu đỏ da chu, bóng không một chút gợn. Dáng ấm làm theo hình quả sung và khi luyện đất cho vào lò lửa, người thợ Tàu lấy dáng cho ấm kia đã là một người thợ có hoa tay. Cụ Ấm thử mãi da lòngtay mình vào mình cái ấm độc ẩm, hình như cốt tìm tòi một chút gợn trên đất nung để được sung sướng hoàn toàn sau khi nhận thấy cái ấm độc ẩm kia là nhẵn nhụi quá.

Nước sôi già lắm rồi. Nhưng thói quen vẫn bắt cụ Ấm rót thử một chút nước xuống đất xem có thực là sôi hay không. Mở đầu cho công việc vụn vặt trong mỗi ngày tàn còn lại, ông già đã sợ nhất cái ấm trà tàu pha hỏng lúc sớm mai. Từ trên bề caogỗ sập, dòng nước sôi trút mạnh xuống nền đất trị, tiếng kêu lộp bộp.

Trên chiếc hỏa lò để không, cụ đã đặt thêm một ấm đồng cò bay khác. Những người uống trà dùng cách thức trà đạo như cụ Ấm bao giờ cũng có ít ra là hai cái ấm đồng đun nước. Ấm nước sôi nhắc ra khỏi lò than là đã có chiếc ấm thứ hai đặt lên đấy rồi. Và hai ấm đồng đó cứ được mãi mãi thay phiên nhau đặt lên lò than đỏ rực. Bữa nước trà cứ kéo dài không hết hồi, người ta luôn tay có một thứ nước sôi đủ độ nóng để pha một ấm trà ngon.

Nhưng có mấy khi cụ Ấm uống trà tàu nhiều đến thế. Riêng về phần cụ, chỉ hai chén con là đủ rồi. Nhưng hai chén đó đã được cụ săn sóc đến nhiều quá.

Chưa bao giờ ông già này dám cẩu thả trong cái thú chơi thanh đạm. Pha cho mình cũng như pha trà mời khách, cụ Ấm đã để vào đấy nhiều công phu. Những công phu đó đã trở nên lễ nghi. Trong ấm trà pha ngon, người ta chịu nhận thấy có một mùi thơ và một vị triết lí.

(Trích Chén trà sương, Nguyễn Tuân, Nguyễn Tuân truyện ngắn, NXB Văn học, 2006, tr.148-149)

Câu 1. Cái thú chơi thanh đạm mà nhà văn Nguyễn Tuân đã gợi lại trong đoạn trích trên là gì?

Câu 2. Để chỉ một đối tượng là cái ấm pha trà, tác giả đã dùng những cách gọi nào?

Câu 3. Đoạn trích thể hiện tình cảm, thái độ gì của Nguyễn Tuân đối với cái thú chơi thanh đạm của nhân vật cụ Ấm?

Câu 4. Nêu cảm nhận của anh/chị về sự tài hoa của nhân vật cụ Ấm trong đoạn trích trên.

PHẦN II.  LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm): Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về  sự cần thiết phải bảo vệ và phát triển những nét  văn hóa truyền thống của dân tộc trong thời đại ngày nay.

Câu 2 (5.0 điểm: Anh/ chị hãy phân tích hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng trong Chiếc thuyền ngoài xa để thấy được quan niện về nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Từ đó liên hệ với quan niệm về nghệ thuật của vũ Như Tô trong Vĩnh biệt cửu trùng đài của nhà văn nguyễn Huy Tưởng.