Tham luận về Văn hoá đọc (Hiếu Đức – CTV Thư viện)

Lượt xem:

Đọc bài viết

THAM LUẬN VỀ VĂN HOÁ ĐỌC

Tác giả:  Hiếu Đức – 12A4

  Ngày nay với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã tác động không ít tới giới trẻ. Tích cực cũng nhiều mà tiêu cực cũng không thiếu. Một trong những vấn đề đang nổi lên là văn hoá đọc sách của giới trẻ hiện nay – Vấn đề đáng để chung tay cùng giải quyết.

  Bạn hiểu gì về văn hoá đọc? Văn hoá đọc ở đây chính là thái độ, là cách hành xử của con người với tri thức sách vở. Phải biết sử dụng sách như thế nào là hiệu quả và có ích. Đọc thế nào để phù hợp với quy luật tiếp nhận tri thức (Theo nhà ngôn ngữ học Phạm Văn Tình) .

  Chúng ta đều biết trước khi có các phương tiện nghe nhìn thì sách là con đường tốt nhất giúp con người tiếp nhận thông tin, văn hoá, tri thức. Đọc sách là một trong những cách thức để con người giải trí, tích luỹ kiến thức và tăng năng lực tư duy . Thơ nhưng giới trẻ ngày nay khá thờ ơ và lãnh cảm với văn hoá đọc sách. Dường như họ nghĩ với các thông tin hiện đại họ không phải đọc sách nữa? Nhà văn hoá Hữu Ngọc đã có một lần đặt câu hỏi: “Thế kỷ XXI liệu có cần đọc sách hay không? Đến văn hoá đọc cũng không? “Và ông tự trả lời rằng:” có, cho dù ca nhạc trữ tình có làm thay bao nhiêu phần việc của thơ ca thì thơ ca cũng sẽ mãi được người đời ưa chuộng “.Còn với văn hoá đọc thì ông khẳng định: “bản thân hình ảnh thì lướt đi, từ ngữ mới đọng lại mãi”.

  Văn hoá đọc sách đang đứng trước một cơ hội và một nguy cơ. Cơ hội khi mỗi người chúng ta đang được tiếp xúc với một khối lượng tri thức khổng lồ. Nhưng nó lại tiềm ẩn một nguy cơ làm mai một thói quen đọc vốn có do sự tác động của các phương tiện truyền thông quá lớn và quá hấp dẫn. Liệu sẽ có tương lai nào cho văn hoá đọc sách giữa thời đại bùng nổ thông tin?

  So với mấy chục năm về trước, thị trường sách hiện nay rất phong phú cả nội dung cũng như hình thức. Giới trẻ ngày nay lười đọc hay họ không biết chọn sách? Có nhiều bạn nghe theo trào lưu để mua sách. Có một thời gian những cuốn sách kiểu “mãi mãi tuổi 20”, “Lê Vân yêu và sống” trở thành cơn bão trên thị trường. Rồi đôi khi họ đọc theo mốt: “Thế giới phẳng” là tên một cuốn sách khá thành công của nhà kinh tế – xã hội học Thomas Friedman. Cuốn sách trình bày nhiều quan điểm mới mẻ với bạn đọc trong nước về xu thế toàn cầu hoá, “Thế giới phẳng” không phải là một cuốn sách dễ tiếp cận nên đa số người đọc không nắm được tư tưởng của tác giả. Nên dù không thích, không hiểu nhưng nhiều bạn trẻ lại đổ xô đi mua những quyển sách như mọi người vẫn làm để mình không thành người lạc hậu. Đó là chưa nói tới việc hiện nay thị trường sách rất đa dạng về thể loại và giá cả nên có những sách được cho là “sách đen” vẫn được giới trẻ chuyền tay nhau đọc say mê. Điều đáng báo động! Thậm chí có nhiều bạn trẻ còn coi rằng đọc sách là lạc hậu – Đây là thời đại công nghệ thông tin thì phải lên mạng đọc cho tốt, vừa tiện lại vừa đỡ lãng phí. Xin thưa đây là cách nghĩ sai. Internet có lượng thông tin lớn, phong phú và cập nhật nhưng chắc gì bạn đọc sẽ còn đọng lại trong đầu được bao nhiêu? Bạn có thể “gặm nhấm” và “nhâm nhi” từng câu chữ, mỗi linh hồn mà tác giả gửi gắm vào đấy không?

  Với thực tế ấy, trong chúng ta ai không phải tự nhìn lại chính bản thân mình? Văn hoá đọc đã xuống cấp ở mức độ báo động không? Có thể chưa đến “đèn đỏ” nhưng đèn vàng đã báo hiệu một nguy cơ có thể xuất hiện. Đó là việc thiếu nghiêm túc trong việc học tập và không thấy hết được sự cần thiết của cuốn sách. Thời đại thông tin dạy chúng ta biết tìm cơ hội và tận dụng thời cơ. Vì vậy các bạn hãy tự tìm cách tạo cho bản thân một thói quen đọc nhé.