Những cánh hoa trong thi ca
Lượt xem:
Mùa xuân là mùa của tuổi trẻ, tình yêu, của trăm hoa đua nở. Sự bung nở của sắc xuân, tình xuân theo những cánh hoa trở thành biểu tượng của cái đẹp. Mùa Xuân, tình yêu và hoa đã đi vào trong thi ca, trở thành niềm cảm hứng bất tận cho biết bao nhiêu tâm hồn nhà thơ.
Nói đến mùa Xuân, không thể không nhắc đến hoa Đào. Những cánh hoa Đào từ lâu đã đi vào thi ca và trở thành biểu tượng cho triết lý vô thường, cuộc đời mộng ảo, cõi người phù du. Bởi hoa Đào rơi rụng ngay lúc hoa bung nở đẹp nhất. Hoa Đào gợi nhắc cho chúng ta về sự ngắn ngủi, mong manh của kiếp người. Nữ nhà thơ Ono no Komach của Nhật Bản đã viết: Hoa đào ơi/ Nhan sắc phai rồi/ Hư ảo mà thôi… Ngắm hoa Đào rơi, ta càng tự biết trân quý từng sắc na, từng khoảnh khắc đang hiện hữu, từ đó biết sống cho hiện tại. Phải sống một đời lộng lẫy và tận hiến như hoa Đào kia dẫu có ngắn ngủi và chóng tàn phai. Nguyễn Trãi cũng có nhiều bài thơ về Hoa Đào nằm trong chùm Đào hoa thi: Một đóa đào hoa khéo tốt tươi/ Cành xuân mơn mởn thấy xuân cười/ Đông phong ắt có tình hay nữa/ Kín tiễn mùi hương dễ động người.
Cùng với hoa Đào, hoa Mai trở thành biểu tượng của mùa Xuân. Mãn Giác Thiền Sư thời Lý Trần có bài: Xuân đi trăm hoa rụng/ Xuân đến trăm hoa nở/ Trước mắt việc đi mãi/ Trên đầu già đến rồi/ Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết/Đêm qua, sân trước một nhành mai. Câu thơ mang vẻ đẹp thiền tính. Mĩ học của thiền là mĩ học của sự đốn ngộ, an nhiên. Trước sự tuần hoàn của vũ trụ, thiên nhiên, con người hiểu được lẽ sinh, trụ, dị, diệt. Cuộc đời hạn hữu trước cái mênh mông, trường cữu của vũ trụ bao la. Vượt qua được những lo âu, sầu muộn về lẽ sinh tồn để chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của đất trời, vẻ đẹp của sự tịch lặng, vô ngôn. Nhành mai vẫn lặng lẽ nở dù mùa xuân đã tàn phai.
Khác với vẻ đẹp của hoa trong thi ca cổ điển, thơ hiện đại có những nét riêng khi nói về mùa Xuân và hoa. Nguyễn Bính đã khắc họa vẻ đẹp của mùa xuân, tình yêu, hoa xoan qua thi ảnh: Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa Xoan lớp lớp rụng vơi đầy/ Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ/ Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay. Đoạn thơ đầu là sự rạo rực của người thiếu nữ đợi chờ được đi hội làng đêm Xuân trong vẻ đẹp của ngàn hoa Xoan rơi. Lễ hội mùa Xuân xiết bao quyến rũ, nồng nàn. Bởi nàng nghĩ sẽ có duyên hạnh ngộ với người tao nhân nơi ấy. Thế nhưng, Hội tan, người khách tao nhân đã không đến như đã hẹn. Vì thế, thiếu nữ buồn: Bữa ấy mưa Xoan đã ngại bay/ Hoa xoan đã nát dưới chân giày/ Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ. Mẹ bảo mùa Xuân đã cạn ngày. Nỗi buồn thấm vào động từ ngại. Mưa giờ đã ngại bay chứ không còn vẻ nao nức, hồ hởi, phơi phới như khổ thơ đầu. Nguyễn Bính thật tài tình, chủ thể trữ tình không được đề cập trực tiếp nhưng qua những thi ảnh trên, ta vẫn cảm nhận được nỗi buồn, sự hụt hẫng của người thiếu nữ.
Nếu Nguyễn Bính mượn hoa Xoan để nói chuyện tình yêu trong đêm hội Xuân thì Hàn Mạc Tử lại kín đáo và đầy sáng tạo khi mượn thi ảnh giàn thiên lý để nói hộ lòng mình: Trong làn nắng ửng: khói mơ tan/ Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng/ Sột soạt gió trêu tà áo biếc/Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang. Có thể nói, đây là bức tranh mùa xuân nên thơ và mơ màng nhất trong thi ca. Những từ ngữ tự nó đã vẽ nên một không gian như mộng với nắng ửng, khói mơ, mái tranh vàng, tà áo biếc. Kì diệu và hân hoan thay, hình ảnh giàn thiên lý với màu xanh bất tận gợi lên bước đi của nàng Xuân. Xuân đã đến ngây ngất và hân hoan trên giàn thiên lý biếc xanh.
Trong tình Xuân thơm ngát đang trào dâng, ý Xuân lời Xuân đang cất lên, hãy cùng gác lại mọi lo toan muộn phiền của gánh nặng áo cơm để cùng suy ngẫm về triết lí của hoa để biết sống và yêu tha thiết hơn, nồng nàn hơn và ý nghĩa hơn cuộc đời này.
Nguồn Văn nghệ số 1+2/2019